Ngày 10/7, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố ứng dụng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động và kết nối xe buýt với ứng dụng Grab, sử dụng hệ điều hành Android và iOS (ứng dụng Go!Bus).
Ứng dụng này nhằm cung cấp dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia sử dụng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Ứng dụng Go!Bus với thông điệp “Mang trạm xe buýt về gần bạn” được xây dựng trên nền tảng công nghệ mới nhất với sự tham gia của FPT. Đây cũng là phần mềm đầu tiên ở Việt Nam có sự tích hợp giữa giao thông công cộng bằng xe buýt (trong tương lai gần là tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT, WaterBus) và các chuyến đi bằng các dịch vụ Grab (GrabBike, GrabCar).
Việc tích hợp này sẽ tận dụng được dữ liệu về xe buýt của Sở Giao thông Vận tải và tận dụng nền tảng công nghệ của doanh nghiệp để tạo thành hệ thống giao thông kết nối và liền mạch, xây dựng các giải pháp giao thông thông minh, qua đó góp phần thực thiện Đề án đô thị thông minh.
Với hình thức vận chuyển này, người dân có thể lựa chọn chuyến đi đa dạng, trong đó Go!Bus sẽ đưa ra các hướng dẫn cụ thể hành trình đi lại một cách thuận tiện nhất và tiên tiến nhất.
Người dân có thể biết được giờ xe buýt sắp đến trạm, gợi ý lộ trình các tuyến, thông tin tuyến; đặc biệt là cho phép người dùng có thể tìm kiếm đường đi kết hợp giữa xe buýt và các chuyến đi của Grab nếu như vị trí đứng xa hơn 200m với trạm xe buýt. Người dân có thể chọn đi bộ hoặc đi Grab đến trạm xe buýt.
[Sở Giao thông Vận tải TP.HCM: Không có việc dừng xe buýt từ ngày 15/8]
Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc kết hợp này phù hợp với đặc tính đô thị tại Thành phố là hẻm nhỏ và sâu, giúp hành khách thuận lợi trong quá trình sử dụng giao thông công cộng.
Tính năng kết nối với Grab về thời gian thông tin thực và tất cả tính năng này xoay quanh trục chung là lấy hành khách, cung cấp thông tin cho hành khách, ở bất cứ lúc nào, nơi đâu có thể truy vấn thông tin về thời gian thực của xe buýt của Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin và chuyến đi của mình.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 128 tuyến xe buýt hoạt động, trong đó 91 tuyến có trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chủ trương triển khai đề án sử dụng xe buýt mini ứng dụng công nghệ đặt xe, với giá vé từ 10.000-40.000 đồng/lượt, tùy giờ cao điểm hay thấp điểm.
Sở Giao thông Vận tải cũng vừa họp với các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã để giải quyết bài toán trợ giá, đấu thầu quảng cáo xe buýt… để các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh./.