Hà Nội sẽ điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị xe buýt

Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp vận tải buýt khảo sát toàn diện về sản lượng hành khách để có cơ sở báo cáo thành phố điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá.
Hà Nội sẽ điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị xe buýt ảnh 1Xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của thành phố Hà Nội trong khi chờ các tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến việc một đơn vị vận tải buýt tại thành phố Hà Nội đã “dọa” tạm ngừng phục vụ hành khách công cộng do chưa được xem xét điều chỉnh doanh thu trợ giá và dấy lên lo ngại hiệu ứng “domino” đối với các doanh nghiệp vận tải buýt khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khẳng định, Sở đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới, trong đó cam kết điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị buýt.

Khảo sát toàn diện sự sụt giảm sản lượng và doanh thu

Theo ông Hải, việc giảm sản lượng và doanh thu của tuyến buýt số 72 của Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây là tình trạng chung của toàn mạng. Sở Giao thông Vận tải đã nắm bắt tình hình và chỉ đạo khảo sát, đánh giá để báo cáo Thành phố điều chỉnh kế hoạch cho toàn mạng, trong đó có tuyến buýt số 72.

“Việc giảm sản lượng, doanh thu đã tạo gánh nặng ngân sách thành phố nhưng đến nay các doanh nghiệp trong đó có Công ty cổ phần ôtô vận tải Hà Tây vẫn được thành phố thanh toán đúng hạn, đầy đủ theo hợp đồng,” ông Hải nói.

Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện tài chính duy trì hoạt động của tuyến, Sở Giao thông Vận tải sẽ hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định và bố trí đơn vị khác vận hành để đảm bảo mạng lưới luôn được duy trì hoạt động phục vụ nhân dân.

Nhìn nhận từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020 mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm về sản lượng và doanh thu, ông Hải đưa ra nguyên nhân là do thành phố hực hiện chính sách miễn phí cho người cao tuổi và hộ nghèo theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 đã có trên 330.000 thẻ miễn phí được cấp (tương ứng với 330 người không sử dụng vé tháng và vé lượt hàng ngày).

“Với chính sách này các đối tượng sử dụng thẻ miễn phí đã tăng trên 82 lần, nhưng đi theo đó số lượng vé tháng quý 4/2019 cũng bị giảm gần 15% và doanh thu cũng giảm trên 10%,” ông Hải đưa ra con số.

[Hà Nội: Đơn vị vận tải xe buýt 'dọa' tạm ngừng 'cõng' khách]

Mặt khác, trong đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, xe buýt đã phải điều chỉnh giảm dịch vụ và ngừng hoạt động trên một tháng làm sản lượng và doanh thu sáu tháng đầu năm nay đều giảm theo tương ứng là trên 29% và trên 42%.

Nhấn mạnh tình hình sụt giảm sản lượng và doanh thu đã tạo áp lực về tài chính cho ngân sách thành phố, tuy nhiên, ông Hải cho biết thành phố và Sở Giao thông Vận tải đã kịp thời nắm bắt, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động ổn định của mạng lưới.

Cụ thể, phía Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị thực hiện ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán nhanh chóng, kịp thời đúng quy định đối với các doanh nghiệp.

Hiện nay, 104 tuyến buýt trợ giá đã được ký hợp đồng, tạm ứng, thanh toán đúng thời gian và giá trị theo hợp đồng đã ký kết. Đối với các tuyến đấu thầu, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp đã được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng năm, sau nghiệm thu hàng quý, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thanh toán thêm khoảng 15% giá trị hợp đồng.

Đối với các tuyến đặt hàng, sau khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp được tạm ứng 30% giá trị hợp đồng quý, sau khi nghiệm thu hàng tháng và quý, các đơn vị tiếp tục được thanh toán thêm tối đa 80% giá trị hợp đồng.

“Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát toàn diện về sản lượng hành khách từ vé tháng chuyển sang vé miễn phí trên toàn mạng lưới là bao nhiêu để có cơ sở báo cáo thành phố điều chỉnh kế hoạch về sản lượng, doanh thu, trợ giá cho năm nay. Dự kiến, công tác khảo sát sẽ hoàn thành sớm nhất vào tháng 9/2020,” ông Hải nói.

Sẽ điều chỉnh trợ giá theo năm

Trả lời câu hỏi về số liệu đưa vào hợp đồng đấu thầu các tuyến buýt để thực hiện năm 2020 đều lấy từ năm 2018, ông Hải cho rằng hợp đồng sẽ được điều chỉnh sau cuộc khảo sát đang tiến hành gồm điều chỉnh do thay đổi chính sách miễn phí cho người cao tuổi; kiểm soát lưu lượng hành khách, cơ cấu hành khách và xem xét khả năng phục hồi sau COVID-19 để điều chỉnh lại khối lượng nhằm hoạch định lại toàn bộ bức tranh vận tải công cộng bằng xe buýt theo từng tuyến (bao nhiêu hành khách các loại, đi lại trong khung giờ nào, lượng khách là người cao tuổi đi bằng thẻ miễn phí như thế nào) để quy ra mức trợ giá.

“Khi có sự biến động, doanh thu tiền vé sụt giảm, Nhà nước chắc chắn sẽ điều chỉnh trợ giá. Hà Nội sẽ tính mức ảnh hưởng vào hoạt động của xe buýt, từ đó lập lại kế hoạch đã giao thông qua việc điều chỉnh hợp đồng cũ. Hàng năm, thành phố đều có điều chỉnh chứ không nhất thiết đóng khung trong kết quả đấu thầu 5 năm.

Ông Hải cũng đánh giá, đến thời điểm này, gánh nặng trợ giá xe buýt rơi vào Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp. Đơn vị vận tải buýt bán vé nhiều hay ít thì Nhà nước vẫn bù đắp chi phí. Chỉ có điều, trên giấy tờ, Nhà nước sẽ điều chỉnh lại kế hoạch cho doanh nghiệp. Đến nay, việc thanh toán, đảm bảo chi phí cho hoạt động của các doanh nghiệp, Hà Nội vẫn tiến hành đúng theo hợp đồng và tính đúng, tính đủ để các đơn vị buýt duy trì hoạt động.” 

Hà Nội sẽ điều chỉnh doanh thu và trợ giá cho các đơn vị xe buýt ảnh 2Xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm về sản lượng và doanh thu từ cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Tuy nhiên, vị Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị thừa nhận việc điều chỉnh phải có quy trình, thời gian, có sự tham gia của nhiều sở, ngành. Thành phố chưa bao giờ áp đặt khối lượng vận chuyển hành khách đối với doanh nghiệp vận tải buýt.

Kế hoạch đặt ra đều căn cứ vào dự báo nhưng khi vận hành thì phải căn cứ vào thực tế, đến khi quyết toán, lượng khách có thể tăng hoặc giảm so với khối lượng trong hợp đồng. Hành khách tăng thì trợ giá Nhà nước giảm đi và ngược lại.

[Đấu thầu buýt ở Hà Nội: Doanh nghiệp hào hứng nhưng cũng lắm nỗi lo]

Bên cạnh đó, thành phố đã chuẩn bị nguồn ngân sách lớn hơn mọi năm để bù đắp lượng khách miễn phí và chi trả cho lượng hành khách sụt giảm sau COVID-19.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho rằng, các đơn vị buýt và thành phố Hà Nội cần phải bàn thảo kỹ càng và cam kết thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết.

“Thành phố quyết định trợ giá phải có biện pháp kiểm sóa qua các hệ thống cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp buýt để không có câu chuyện tranh cãi về hồ sơ đấu thầu, điều quan trọng nhất là phải tính đúng, tính đủ theo hợp đồng đã ký,” ông Thông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục