Ngày 2/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND, ngày 10/3/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố về "Quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh."
Ông Lê Văn Tám, Phó trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong năm qua, các cơ sở trợ giúp xã hội (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã lập hồ sơ tiếp nhận hơn 2.300 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác (tăng 49% so với cùng kỳ).
Trong số đó, 145 người (6%) thuộc diện trẻ em lang thang xin ăn; 336 người (14%) thuộc diện người cao tuổi lang thang xin ăn; 96 người (4%) thuộc diện người khuyết tật lang thang xin ăn.
Đặc biệt, có 1.059 người (45%) trong độ tuổi từ đủ 16-60 tuổi lang thang xin ăn.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã bố trí 16 cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận, sàng lọc và phân loại đối tượng, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.
"Các trường hợp trên đều được tập trung đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội và đã được chăm sóc, hỗ trợ khẩn cấp kịp thời; tổ chức làm các giấy tờ tùy thân, mã định danh, căn cước công dân, bảo hiểm y tế... Nhiều người đã hiểu được các chủ trương, chính sách nhân văn của Thành phố, rất xúc động và đồng thuận hợp tác thực hiện," ông Lê Văn Tám chia sẻ.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau 1 năm thực hiện, đơn vị đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức hơn 55.500 lượt kiểm tra, tuần tra; ghi nhận 4.356 trường hợp thuộc diện trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Đơn vị đã mở cao điểm phối hợp giải quyết, xử lý các trường hợp, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về cư trú trong tình hình mới.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tăng Minh thông tin tình trạng người lang thang xin ăn ở thành phố đã được giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người chưa có công ăn việc làm ổn định, hoàn cảnh, điều kiện khó khăn nên đã di cư vào thành phố để đi xin ăn kiếm sống qua ngày.
Tình trạng này đã tạo áp lực cho địa phương trong kiểm tra, giải quyết, xử lý dứt điểm, nhất là các dịp lễ, Tết, tại các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, khu vực gần cơ sở tôn giáo, bến xe, chợ truyền thống...
Người có hộ khẩu ở tỉnh và thành phố khác đến Thành phố Hồ Chí Minh lang thang xin ăn chiếm 45%, không có nơi cư trú chiếm 22%.
Nhiều người giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su và thường hoạt động ngoài giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, những ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt, một số người chăn dắt thường hoạt động tinh vi, có hướng dẫn cụ thể về nội dung, cách thức cho trẻ em, người xin ăn... để đối phó khi bị lực lượng chức năng phát hiện.
Ông Nguyễn Tăng Minh cho rằng để khắc phục tình trạng này, các đơn vị phối hợp cần tăng cường tuyên truyền; thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về trường hợp người lang thang xin ăn; đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và quản lý người lang thang xin ăn.
Các đơn vị cần rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, các địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối tượng chăn dắt, lợi dụng người yếu thế tổ chức xin ăn để trục lợi.
Các phường, xã, thị trấn quản lý chặt chẽ danh sách người lang thang, xin ăn có địa chỉ cư trú để hỗ trợ và xử lý kịp thời; thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của chương trình.
Các địa phương chủ động phối hợp, bố trí, sắp xếp các điểm phát quà từ thiện, thông tin rộng rãi để người dân biết và phối hợp, đảm bảo trợ giúp đúng đối tượng; chủ động rà soát các khu dân cư tập trung nhiều người tạm trú, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật…/.