Sau 10 ngày nới lỏng giãn cách, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện bình thường mới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân; công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.
Đây là các nội dung nổi bật được ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong buổi họp cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/10.
Hơn 3,7 triệu người dân đã nhận được gói hỗ trợ đợt 3
Theo ông Phạm Đức Hải, tính đến ngày 11/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 21 quận, huyện và Thành phố Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn 3 hạn chế là một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm việc phòng dịch.
Cụ thể là vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số doanh nghiệp hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ thành phố đến các tỉnh khó khăn.
“Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều ca F0 trong cộng đồng, đó là thách thức buộc người dân phải điều chỉnh thói quen, không được chủ quan, cần cảnh giác hơn nữa...,” ông Phạm Đức Hải nói.
Ông Phạm Đức Hải cho biết sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại địa phương là 70 vụ. Công an đã khám phá 48 vụ và bắt 54 đối tượng. Về trật tự an toàn giao thông, trong 10 ngày qua xảy ra 46 vụ, làm chết 17 người và bị thương 20 người. Về tình trạng cháy nổ, trong 10 ngày, thành phố xảy ra 11 vụ cháy, chết 1 người, 4 người bị thương.
Về chủ trương mở dịch vụ ăn uống tại chỗ trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian qua, loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc. Bởi dịch vụ ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, thành phố xét thấy dịch vụ này chưa nên mở. Các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do Ban quản lý An toàn thực phẩm phụ trách, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu và phối hợp.
[TP Hồ Chí Minh trao tặng 200.000 túi quà an sinh cho người lao động]
Liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đến nay, số lượng chi trả đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người. Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Dù không có vướng mắc gì về mặt chính sách nhưng có khó khăn ở mặt hạ tầng công nghệ, do phủ sóng không đồng đều, nên ở trung tâm sóng mạnh, vùng xa trung tâm có chi trả hơi chậm.
Tính đến nay, 6 đơn vị chi trả gói hỗ trợ đạt trên 90%, trong đó quận Phú Nhuận đạt 96,3%.
Giữ lại 3 bệnh viện dã chiến để sẵn sàng cho các tình huống
Về cơ chế thanh toán, điều trị COVID-19 của bệnh viện tư nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Sở đã có văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19.
Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị COVID-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Đồng thời, cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị COVID-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.
Liên quan đến nhân lực y tế phục vụ khám chữa bệnh có bị thiếu khi nhiều bệnh viện chuyển công năng sang điều tri COVID-19, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ba bệnh viện dã chiến là 13, 14, 16 sẽ phải giữ lại để sẵn sàng các tình huống. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng chi viện rút quân.
Trên tinh thần đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.
Về chiến lược xét nghiệm hiện nay có phần khắt khe, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết hiện thành phố áp dụng theo chiến lược và quy định cụ thể, từng đối tượng trong xã hội.
Ví dụ như tại trường học, sân bay, doanh trại, lực lượng tiếp xúc nhiều người như shipper sẽ có từng quy định xét nghiệm khác nhau. Quy định với lực lượng shipper có phần nghiêm ngặt hơn.
Về nguyên tắc y khoa, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, việc tiêm chủng đủ chỉ giúp người tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh. Do đó, chiến lược này có thể xem là phù hợp với tình hình hiện nay.
Liên quan đến vấn đề ngành Y tế có giảm tải chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp hay không, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết theo quy định, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp và có trường hợp làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm dạng gộp hay test nhanh để tiết kiệm chi phí.
Về việc người dân bị bỏ lỡ mũi tiêm chủng mở rộng trong đợt dịch bùng phát vừa qua, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trong thời gian cao điểm dịch, hoạt động này có phần nào gián đoạn. Riêng mũi lao và viêm gan siêu vi B đối với trẻ sơ sinh vẫn được triển khai./.