Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9.
Đây là nội dung được ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố tối 15/9.
Điều chỉnh giãn cách phù hợp từng khu vực
Theo ông Lê Hòa Bình, ngày 15/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn số 3072/UBND-VX về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 16/9 đến ngày 30/9/2021.
Cụ thể, Thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch trên toàn địa bàn Thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng quận, huyện, khu vực cụ thể.
Thành phố tiếp tục thực hiện việc cấp Giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông theo Công văn số 2800/UBND-VX, Công văn số 2850/UBND-VX, Công văn số 2994/UBND-ĐT của Ủy ban Nhân dân Thành phố; các Giấy đi đường do Công an Thành phố đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/9/2021.
Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch số 2798/KH-UBND và Công văn số 2994/UBND-ĐT của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Thành phố đã mở hai điểm trung chuyển hàng hóa tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, giúp hàng hóa lưu thông tốt hơn.
[Thêm 10.585 ca mắc mới COVID-19 và 14.189 bệnh nhân khỏi bệnh]
Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện; Khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) được thực hiện thí điểm cho người dân đi chợ 1 lần/1 tuần.
Bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân các địa phương, tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Bộ Tiêu chí an toàn do Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.
Các khu vực đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh được thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ Xanh COVID” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố và các địa phương tham mưu thực hiện.
Shipper được hoạt động liên quận, từ 6 đến 21 giờ hàng ngày
Công văn mới của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động trên địa bàn toàn Thành phố. Cụ thể, nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) được phép hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; ngân sách Thành phố chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30/9.
Thành phố cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ," chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.
Điều kiện hoạt động đối với nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh nêu trên nếu sử dụng nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần.
Nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
"Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 5 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả," ông Lê Hòa Bình cho biết.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực nêu trên phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp Giấy đi đường theo quy định.
Các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành; giao các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tùy theo tình hình an toàn phòng, chống dịch tại địa bàn, đề xuất danh mục các công trình cụ thể.
Đối với các sinh hoạt thể dục, thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh”, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch và phải tuân thủ nguyên tắc 5K.
Về tổ chức thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ thí điểm mở cửa theo lộ trình, khẩn trương lập phương án, kế hoạch triển khai thí điểm, tổ chức đánh giá, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận.
Đối với các địa bàn còn lại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tùy theo tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xem xét đề xuất thí điểm mở cửa lại một số hoạt động khi đạt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Sở Y tế thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa bàn thí điểm, tham mưu công tác điều trị, chi viện lực lượng khi cần thiết; tiến hành đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng, tình hình dịch bệnh tại các địa bàn thí điểm; tham mưu đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo phù hợp sau khi kết thúc thí điểm.
Công an thành phố căn cứ danh sách người lao động đủ điều kiện do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông qua các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, triển khai kiểm soát các đối tượng tham gia lưu thông bằng mã QR và các biện pháp công nghệ thông tin khác kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an; đề xuất Bộ Công an liên thông dữ liệu để triển khai việc thí điểm Thẻ xanh COVID.
Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước từ ngày 16/9 phù hợp với tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chuẩn bị các kế hoạch, kịch bản chi tiết, chặt chẽ, các phương án xử lý rủi ro, tổ chức triển khai các nội dung nêu trên, thành lập Ban Chỉ đạo, các tiểu ban chuyên trách có phương án phối hợp, theo dõi, kiểm tra sát diễn biến tình hình, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh những tình huống phát sinh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nếu để xảy ra các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định hoặc những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách./.