TP Hồ Chí Minh: Khai mạc chuỗi Triển lãm chuyên ngành dệt và may Việt Nam

Chuỗi triển lãm năm nay quy tụ hơn 580 gian hàng của 380 doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan.

Thiết kế mẫu hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Thiết kế mẫu hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 25/9, Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại VINEXAD, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Yorkers Exhibition service Vietnam, Hiệp hội Thiết bị may Quảng Đông, Hiệp hội Máy làm giày Quảng Đông và Paper Communication Exhibition Services, đồng tổ chức chuỗi Triển lãm chuyên ngành dệt và may Việt Nam, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, sự kết hợp 4 triển lãm quốc tế, gồm: Triển lãm quốc tế về Máy móc thiết bị công nghiệp ngành dệt và may Việt Nam (VTG 2024); Triển lãm quốc tế Phụ liệu dệt và may Việt Nam (VITATEX); Triển lãm quốc tế Công nghiệp nhuộm và hóa chất Việt Nam (DYECHEM); Triển lãm quốc tế Máy móc và nguyên liệu giày dép Việt Nam (VFM) đã tạo nên một chuỗi cung ứng toàn diện của các ngành công nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu, công nghiệp nhuộm và hóa chất.

Tại chuỗi triển lãm năm nay, quy tụ hơn 580 gian hàng của 380 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan.

Những đơn vị tham gia chuỗi triển lãm năm nay, tập trung trưng bày sản phẩm, công nghệ máy móc tiên tiến nhất trong ngành dệt may, hướng tới công nghệ số hóa nhà máy, ngành dệt may Việt Nam chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại vải của thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp còn được tạo điều kiện thuận lợi cập nhật thông tin, xu hướng mới trên cả thị trường trong nước và toàn cầu.

Theo ông Phạm Đăng Khánh, Phó Tổng giám đốc VINEXAD, VTG 2024 không chỉ là một triển lãm về chuỗi cung ứng dệt may, mà còn đóng vai trò như một sự kiện quan trọng tạo cơ hội giao thương và cải tiến công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.

VTG 2024 cũng mang đến cho khách tham quan cơ hội trao đổi chuyên môn, giúp Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Còn VITATEX, giới thiệu những công nghệ tiên tiến mới nhất trong lĩnh vực vải, sợi và phụ liệu, mang đến các giải pháp dệt may toàn diện. Riêng VFM 2024 mang đến những giải pháp tiên tiến, từ máy móc giày dép đến máy may vi tính… cho đến công nghệ 4.0 trong sản xuất giày dép; DYECHEM cung cấp phương thức nhuộm thân thiện với môi trường.

Còn đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) cho hay trong khuôn khổ chuỗi triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 28/9/2024, Ban tổ chức còn tổ chức hàng loạt hội thảo chuyên ngành, gồm ngành dệt may Việt Nam - Tập trung vào bền vững, đổi mới và cạnh tranh toàn cầu; Kinh tế tuần hoàn và chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam - Giải pháp thiết thực để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; Nâng tầm giá trị ngành dệt may thông qua phát triển Chuỗi cung ứng Vải chất lượng cao.

Do đó, khách tham quan chuỗi triển lãm và cộng đồng doanh nghiệp được cập nhật thông tin mới nhất về nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu, triển vọng kinh tế của Việt Nam đối với ngành giày dép và các chiến lược nâng cao giá trị ngành thông qua việc phát triển các chuỗi cung ứng vải có tác động cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.