TP Hồ Chí Minh: Nước tràn ngược từ cống gây ngập nhà dân

Khi nước trên rạch Đĩa dâng cao, cống bị vật cản không tự đóng lại được, nước từ rạch tràn ngược vào bên trong gây ngập nhà dân.
TP Hồ Chí Minh: Nước tràn ngược từ cống gây ngập nhà dân ảnh 1Nhà dân phường Hiệp Bình Chánh bị ngập trong nước. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Đến 14 giờ ngày 5/1, lực lượng chức năng phường Tam Phú (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và người dân vẫn khẩn trương khắc phục tình trạng nước tràn ngược từ rạch Đĩa gây ngập nhà của hàng chục hộ dân và các vườn mai.

Lãnh đạo phường Tam Phú đã đến kiểm tra và chỉ đạo lực lượng chức năng vớt vật cản hai bên cống để nước nhanh chóng thoát ra ngoài rạch Đĩa. Khi nước rút cạn, cho người xuống lấy vật cản ra khỏi miệng cống, ngăn nước tiếp tục tràn ngược vào bên trong.

Ông Nguyễn Văn Ba, thành viên lực lượng quản lý đê nhân dân phường Tam Phú, cho biết Nguyên nhân ngập là do nước triều dâng lên chảy ra rạch Đĩa thông qua cống nhưng có vật cản theo dòng nước chặn ngay miệng cống. Khi nước trên rạch Đĩa dâng cao, cống bị vật cản không tự đóng lại được, nước từ rạch tràn ngược vào bên trong gây ngập nhà dân.

Nước tràn từ rạch Đĩa đã làm ngập nhà của hàng chục hộ dân và nhiều vườn mai ở khu phố 2, phường Tam Phú, nhất là nhà dân ở hai bên hẻm 41.

Người dân ở đây cho biết nước bắt đầu dâng lên từ khoảng 1 giờ ngày 5/1, đến trưa cùng ngày nước đã dâng cao, ngập nhiều đồ đạc trong nhà. Nhiều nhà phải dùng máy bơm để hút nước ra ngoài.

Đứng trước ngôi nhà đồ đạc nổi lềnh bềnh trước sân, ông Nguyễn Văn Tuyến, người dân hẻm 41, cho biết nước ngập ở sân nhà ông từ sáng sớm nên cả nhà đã dọn dẹp đồ đạc lên cao. Buổi sáng thấy nước chưa tràn vào nhà nên vợ chồng ông đóng cửa đi làm. Sau khi trở về nhà, nước đã tràn vào, ngập đến 50cm.

Một số vườn mai chuẩn bị phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu cũng bị ngập nước đến gốc.

Ông Nguyễn Văn Lành, chủ một vườn mai 2.000 cây, đã phải huy động người kê chậu mai lên cao và tưới nước lập tức để rửa nước phèn từ ngoài tràn vào, tránh hư hại cây mai.

Cùng hoàn cảnh với ông Nguyễn Văn Lành, vườn mai 1.200 cây của gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng cũng bị ngập tận gốc nhưng vì phát hiện muộn nên ông không kịp đưa các chậu mai lên cao.

Ông Tùng cho biết phần lớn chậu mai đã bị ngập tận gốc nên ông đành chờ nước rút rồi dùng nước sạch tưới lại để cây mai không bị chết do ngập nước phèn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục