Sáng 14/10, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Bảo hiểm xã hội thành phố trao tặng 500 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn.
Đoàn viên nghiệp đoàn được trao tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện là lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng); nữ giúp việc nhà, người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại; đoàn viên tham gia nòng cốt trong hoạt động nghiệp đoàn và Công đoàn, có thành tích trong các phong trào.
Sổ bảo hiểm được trao tặng những người chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và phải đảm bảo tham gia ít nhất 5 năm liên tiếp với mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,5 triệu đồng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 12 tháng.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, cho rằng mức đóng này cũng tương ứng mức lương cơ sở để người lao động đảm bảo điều kiện trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về lâu dài tốt hơn.
"Việc tặng thẻ bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời điểm này không chỉ trợ giúp người lao động vượt khó khi gặp rủi ro, mà còn giúp người lao động yên tâm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc," ông Tâm chia sẻ.
Theo ông Phạm Chí Tâm, thông qua việc trao tặng lần này còn giúp người lao động hiểu rõ hơn quyền, lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để từ đó chủ động tham gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là khi người lao động đến tuổi hưu. Đồng thời, tin tưởng vào sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức Công đoàn, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tiếp tục tham gia lan tỏa những điều tốt đẹp nhất hướng về người lao động, để chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng phổ quát đến mọi người dân.
Có mặt từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Tường Vy cùng nhiều chị em nghiệp đoàn giúp việc thuộc Liên đoàn Lao động quận Tân Phú không giấu được niềm vui bởi lần đầu tiên được tặng sổ, tham gia bảo hiểm xã hội.
[Tặng sổ tiết kiệm cho con của đoàn viên công đoàn mồ côi vì COVID-19]
Chị Vy cho biết ngành nghề lao động tay chân giúp việc khá vất vả, thu nhập không ổn định; đặc biệt, dịch COVID-19 kéo dài hơn 4 tháng qua khiến nhiều người thất nghiệp, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.
"Đặc biệt, Công đoàn còn giúp những người lao động ở các nghiệp đoàn hiểu rõ hơn mục đích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm đảm bảo các chế độ an sinh xã hội của mình sau này; giúp cho đoàn viên, người lao động tiếp cận đầy đủ các chế độ chăm lo của xã hội," chị Vy chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, ông Lê Tấn Phúc, nghiệp đoàn xe ôm truyền thống ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, không giấu được xúc động khi lần đầu tiên cầm trên tay sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện mang chính tên mình và loay hoay hỏi thăm bởi không rõ những quy định của việc tham gia bảo hiểm trong những năm tiếp theo.
Ông Phúc cho biết làm nghề chạy xe ôm đã được gần 20 năm, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng, nhưng khoảng 4 tháng nay đã phải tạm ngưng bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài.
Sau khi được hướng dẫn đầy đủ và dự toán số tiền phải đóng bình quân hơn 3 triệu đồng/năm, trong khoảng thời gian tối thiểu 5 năm, ông Phúc cho biết: "Tôi sẽ cố gắng làm việc, gom góp để có thể tự tham gia đóng bảo hiểm của mình từ năm sau và sẽ tham gia đến khi nào không còn lao động được thì thôi...."
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố, năm 2021, ngoài việc quan tâm đến các đối tượng có quan hệ lao động ở các doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cấp Công đoàn thành phố còn quan tâm đến người lao động ở các khu vực không có quan hệ lao động như xe ôm, nghiệp đoàn xe công nghệ, nghiệp đoàn giáo viên.
Đây là những người lao động không có điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội và mạng lưới an sinh xã hội của Công đoàn cũng chưa phủ hết.
"Do vậy, việc Công đoàn trao tặng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hướng người lao động ở khu vực này tiệm cận các chính sách an sinh của Đảng, nhà nước; để đảm bảo mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống của người lao động, nhất là ở khu vực không có quan hệ lao động được phát triển tốt nhất và đảm bảo đầy đủ về lâu dài…," ông Đô nhấn mạnh./.