TP Hồ Chí Minh tạo dựng nền móng cho kinh tế số phát triển

Có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất nước và 80% người dân sử dụng smartphone là cơ sở quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiến tới xây dựng nền kinh tế số.
TP Hồ Chí Minh tạo dựng nền móng cho kinh tế số phát triển ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với sự phát triển năng động, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những địa phương có ngành thương mại phát triển mạnh mẽ; trong đó có thương mại điện tử. Đây là cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế số, giúp Thành phố tiến nhanh và bền vững, xứng tầm Thành phố đầu tàu cả nước trên mọi lĩnh vực.

Từ "đất lành chim đậu"…

Với nhiều lợi thế về "thiên thời, địa lợi" của mình, từ lâu Thành phố Hồ Chí Minh luôn là "mảnh đất" có sự mở đầu cho nhiều mô hình phát triển kinh tế; trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số cũng không là ngoại lệ. Thành phố Hồ Chí Minh luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong việc đặt trụ sở hay bắt đầu khởi nghiệp, xâm nhập thị trường Việt Nam của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là "đại bản doanh" của các doanh nghiệp kinh tế số hàng đầu Việt Nam hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, đến năm 2018, các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn Thành phố đang vận hành hơn 127.000 website; trong đó có trên 61.000 website thương mại điện tử hoạt động ổn định.

Bắt đầu hoạt động vào năm 2007, Công ty cổ phần dịch vụ di dộng trực tuyến (với thương hiệu ví điện tử MoMo) là công ty tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.

MoMo đã xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng với 10.000 đối tác kinh doanh trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống.

Ví điện tử MoMo đã nhanh chóng trở thành "siêu ứng dụng" thể hiện phong cách hiện đại khi cho phép khách hàng không chỉ vay tín dụng, gửi tiền hoặc thanh toán hóa đơn mà còn mua vé xem phim, đặt vé máy bay, mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán hàng hóa dịch vụ tại hơn 100.000 điểm thanh toán trên cả nước với các chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Circle K, Ministop và FPT Shop.

Với những thành tựu của mình, năm 2018 MoMo là công ty công nghệ tài chính (Fintech) duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách top 100 Fintech thế giới do KPMG (một trong những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hà Lan) công bố.

"Năm 2018 là năm có nhiều chuyển biến ngoạn mục của MoMo. Chúng tôi đã ghi nhận số lượng giao dịch và con số khách hàng đăng ký sử dụng đạt mức lớn nhất từ trước đến nay. Công ty sẽ tiếp tục gia tăng thị phần, giữ vững vị trí siêu ứng dụng ví điện tử số 1 tại Việt Nam," ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc MoMo chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng và là ứng dụng ví điện tử được đăng ký nhiều nhất trong năm 2018. Khối lượng giao dịch trên nền tảng của MoMo đã tăng hơn gấp ba lần trong năm vừa qua.

Trong khi đó, Vexere.com được hình thành từ tháng 7/2013 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần sáu năm hoạt động, dự án đã chứng minh được tính ứng dụng thiết thực và hiệu quả. Cụ thể, đã có hơn 550 hãng xe trên toàn quốc hợp tác bán vé với Vexere, cung ứng hơn 5.000 tuyến đường.

Trong năm 2018, mỗi tháng có khoảng 6 triệu vé "chảy" qua hệ thống của Vexere, tương đương 30% tổng lượng vé bán ra trên thị trường.

Ông Trần Nguyễn Lê Văn, Tổng Giám đốc Vexere.com (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết Vexere được thành lập nhằm tạo ra cuộc cách mạng trong ngành xe khách: chuyển từ việc phải ra nhà xe, bến xe xếp hàng mua vé và gọi điện thoại sang đặt vé trực tuyến, có thể kiểm tra vé theo thời gian thực để giải quyết vấn đề trên, giúp tiết kiệm hàng triệu giờ làm việc của người dân vì phải di chuyển và đứng xếp hàng để chờ mua vé; đồng thời giúp việc quản lý của các nhà xe hiệu quả hơn.

Vexere hợp tác với các hãng xe đem tới cho khách hàng các lựa chọn đa dạng khi có nhu cầu di chuyển. Để đặt vé xe, khách hàng có thể truy cập vào trang chủ của Vexere và lựa chọn nơi đi, nơi đến, thời gian đi. Hệ thống sẽ cung cấp cho khách hàng danh sách các chuyến đi phù hợp cùng với thông tin về nhà xe, loại xe, giá vé, số chỗ còn trống để lựa chọn.

Có thể nói thương mại điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là sự xuất hiện đổ bộ của hàng loạt thương hiệu thương mại điện tử lớn của thế giới như Alibaba, Lazada, Grab…

Tại lễ mắt công ty Money Forward Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Takayuki Tsuzuki, Tổng giám đốc công ty Money Forward Việt Nam cho biết, Money Forward kỳ vọng trong tương lai cùng với sự phát triển các dịch vụ cho thị trường Nhật Bản sẽ phát triển các dịch vụ cho thị trường Việt Nam, phát triển các dịch vụ "lan tỏa ra thế giới" và đội ngũ kỹ sư lên 100 người trong hai năm tới.

[Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng nhanh cho Việt Nam]

Hiện nay, Money Forward triển khai dịch vụ hỗ trợ việc quản lý tài sản và tài chính cá nhân (tiết kiệm tự động, tư vấn sử dụng tiền); triển khai dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (phần mềm kế toán, đám mây, phân tích hoạt động kinh doanh, điện tử hóa chứng từ, nhận ủy thác nghiệp vụ thanh toán).

Ông Takayuki Tsuzuki cho biết thêm: "Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào và chất lượng, đồng thời có sự tương đồng về văn hóa nên dễ hợp tác làm việc cùng nhau. Tôi rất vui khi được làm việc với các kỹ sư Việt Nam để phát triển dịch vụ cho thị trường... Trong tương lai gần, Money Forward muốn khởi động một loạt các dịch vụ công nghệ tài chính cho chính thị trường này."

… đến tạo môi trường cho "chim làm tổ"

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các doanh nghiệp và Thành phố Hồ Chí Minh có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

TP Hồ Chí Minh tạo dựng nền móng cho kinh tế số phát triển ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: mmbiztoday.com)

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế số là xu hướng tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0 và Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thành phố có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất nước, 80% người dân sử dụng smartphone. Đây là cơ sở quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh tiến tới xây dựng nền kinh tế số, giúp cho thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.

Trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử của mình, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tối thiểu có 40% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp-người tiêu dùng (B2C) tăng bình quân 20%/năm, chiếm tối thiểu 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2020.

Cùng đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu có từ 2-3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử lớn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, vấn đề chuẩn bị nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số cũng được Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Là một công ty công nghệ Việt Nam, MoMo được xây dựng từ công sức và trí tuệ của người Việt. Trong giai đoạn tiếp theo, công ty không chỉ thu hút nhân tài địa phương, mà còn tìm kiếm những tài năng ở ngoài nước có cùng chung định hướng về phát triển ứng dụng công nghệ để nâng cao cuộc sống của người Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của MoMo, chia sẻ: "Việt Nam đang bước lên một bậc cao mới về tăng trưởng. Vì vậy, đòi hỏi phải xây dựng một hệ sinh thái về dịch vụ tài chính vượt trội và toàn diện. MoMo cam kết hiện thực hóa tầm nhìn đó bằng cách đẩy mạnh ứng dụng thanh toán kỹ thuật số và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số."

Với việc Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Đề án đô thị thông minh, thành phố hình thành nên môi trường để các doanh nghiệp sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ phục vụ cho việc quản lý nhà nước. Đặc biệt là đưa các giải pháp công nghệ để giải quyết những vấn đề còn tắc nghẽn của Thành phố như môi trường, giao thông, ngập nước và các các lĩnh vực y tế, giáo dục để giúp cho người dân thành phố có cuộc sống tốt hơn.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố đang tập trung xây dựng khu đô thị thông minh, kinh tế tri thức và kinh tế số. Năm 2020, thành phố sẽ xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía Đông của thành phố để trở thành hạt nhân phát triển kinh tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Thành phố đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho kinh tế số, Thành phố Hồ Chí Minh đang và sẽ là thành phố có hạ tầng viễn thông tốt nhất.

"Chúng tôi chuẩn bị để năm sau ứng dụng dịch vụ viễn thông thế hệ năm. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi đầu trong việc việc số hóa tài nguyên của mình. Ngoài ra, Thành phố cũng khẩn trương xây dựng hạ tầng số hóa để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người dân," ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục