Ngày 28/8, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chính sách hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn từ 12 tháng trở lên trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mức hỗ trợ tương đương 1 triệu đồng/người để công đoàn hoặc doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động được trích từ nguồn tài chính tích lũy của Công đoàn cấp trên cơ sở, cấp cho Công đoàn cơ sở hoặc cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn và đảm bảo sau khi cấp số dư tại Công đoàn cấp trên cơ sở còn tối thiểu 1 tỷ đồng.
Trường hợp Công đoàn cấp trên trực tiếp của cơ sở không đủ nguồn để cấp hỗ trợ (số dư tích lũy còn dưới 1 tỷ đồng) thì báo cáo Liên đoàn Lao động thành phố xem xét, quyết định.
Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động thực hiện phương án “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để thẩm định và cấp kinh phí (chỉ một lần).
Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức Công đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động liên hệ với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động theo phương án “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ bữa ăn cho công nhân.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần thống nhất với người sử dụng lao động về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn cho người lao động.
Trong đó, nêu rõ giá trị bữa ăn hiện tại, giá trị bổ sung khẩu phần ăn, thời gian thực hiện bổ sung... rồi chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời thực hiện giám sát việc tổ chức bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí minh cho biết, đây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp theo phương án “3 tại chỗ.”
"Bữa ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng sẽ góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe để người lao động làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, hạn chế xảy ra tai nạn lao động và phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội khi phải ăn, ở và làm việc tại chỗ,” ông Trung khẳng định.
[Gần 2,5 triệu lao động ở 19 tỉnh thành, phố phía Nam phải ngừng việc]
Đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã chi hỗ trợ cho 164.012 trường hợp, với số tiền là 68,601 tỷ đồng.
Trong đó có 340 trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 1,374 tỷ đồng (hỗ trợ thêm cho 113 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi); hỗ trợ tiền ăn cho 7.119 người là F0, F1 với số tiền 1,431 tỷ đồng (trong đó có hỗ trợ thêm cho 189 trẻ em); hỗ trợ 2.480 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 3,72 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ 74.804 người với số tiền 22,441 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ 79.269 người với số tiền 39,634 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 28/8, toàn tỉnh ghi nhận 4.049 ca mắc COVID-19 mới. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 98.794 ca mắc COVID-19; 788 bệnh nhân tử vong, 54.030 bệnh nhân xuất viện. Toàn tỉnh hiện có 38.895 người đang cách ly tập trung; 9.898 trường hợp F0 cách ly tại nhà; 856.441 người đã tiêm vaccine./.