TP.HCM: Công tác giảm nghèo tạo động lực lớn cho xã hội

Thông qua Quỹ CEP của Liên đoàn Lao động TP.HCM, hàng trăm ngàn công nhân, lao động nghèo đã được tiếp vận vốn vay trên 1.800 tỷ đồng giúp tao việc làm, giảm nghèo và ổn đinh cuộc sống.
TP.HCM: Công tác giảm nghèo tạo động lực lớn cho xã hội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia mà còn là địa phương nổi bật với nhiều mô hình thiết thực về chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo.

Hơn 25 năm qua, nhiều tổ chức, đoàn thể chăm lo cho cuộc sống người nghèo đã giúp hàng vạn mảnh đời nghèo khó vượt lên số phận bằng khát vọng vươn lên thoát nghèo, góp phần đẩy lùi nạn vay tín dụng đen trong cộng đồng. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững của thành phố cũng đang đứng trước nhiều thách thức và điều này đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu quan trọng này.

Với quan điểm không phân biệt “người nhập cư hay là người dân thành phố” đã thể hiện rõ nét "thành phố nghĩa tình" chăm lo cho cuộc sống người dân, dù tỉnh lẻ hay thành phố vẫn được đối xử công bằng. Trong vòng hơn 25 năm qua thành phố đã giúp được rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo với tinh thần “trao cần câu không trao con cá.”

Trợ vốn cho người nghèo

Chúng tôi gặp anh Trần Văn Biển trong một căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi tại phường 3, quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh). Không ai biết rằng cách đây hơn 20 năm trước gia đình anh rời quê Quảng Ngãi vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng buôn thúng bán bưng chỉ mong đủ sống qua ngày, trả tiền thuê nhà và nuôi các con ăn học.


[Chăm lo cho người nghèo cần có trọng tâm, trọng điểm]

Nhưng cuộc sống nghèo khó cứ đeo bám mãi cho đến một ngày được tiếp cận quỹ CEP (Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) và vay những đồng vốn đầu tiên khi ấy chỉ là 2-3 triệu đồng/kỳ hạn và cuộc sống gia đình anh bắt đầu đổi thay từ đó.

Với bản chất cần cù, chịu khó, để có tiền trả vốn lẫn lãi, vợ chồng anh Biển chịu khó làm lụng đủ nghề, tích góp từng đồng và vẫn luôn giữ đúng chữ tín với CEP. Sau nhiều năm lao động miệt mài với nghề buôn bán nhỏ, từ nguồn vốn vay vợ chồng anh đã mua được căn nhà đang ở thuê từ trước, con cái học hành đến nơi đến chốn, có của ăn của để.

Giờ đây không chỉ cuộc sống đổi thay, mà chính công việc làm ăn của gia đình anh còn góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động khó khăn trong vùng.

Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm - CEP (thuộc Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh), đã giúp hàng vạn mảnh đời nghèo khó vượt lên số phận như thế. Con đường thoát nghèo của họ dường như ngắn hơn khi có sự đồng lòng sẻ chia từ Quỹ CEP.

Hàng chục năm qua, CEP là một công cụ giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh, những đồng vốn do quỹ cung cấp đã hỗ trợ hàng trăm ngàn công nhân, lao động nghèo có cơ hội tự tạo việc làm, vượt khó, giảm nghèo, ổn định và cải thiện cuộc sống.

Sự hỗ trợ của CEP chỉ là một phương tiện, trên hết vẫn là khát vọng vươn lên thoát nghèo của hàng trăm ngàn công nhân, lao động nghèo đã và đang sử dụng đồng vốn cùng các dịch vụ mà CEP cung cấp.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc CEP cho biết, CEP là tổ chức xã hội phi lợi nhuận, gắn trực tiếp với người lao động nghèo. Tối thiểu 80% các thành viên vay vốn lần đầu tiên thuộc diện nghèo và nghèo nhất theo tiêu chí đánh giá của CEP để tập trung đúng đối tượng. Sự hỗ trợ kịp thời của CEP giúp nhiều gia đình công nhân, lao động nghèo vượt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tính đến hết tháng 7/2018, sau nhiều năm hoạt động, CEP đã đưa đồng vốn đến tận tay gần 167.000 hộ công nhân, người lao động nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền cho vay trên 1.800 tỷ đồng.

Các sản phẩm tín dụng gồm tín dụng tăng thu nhập, tín dụng sửa chữa nhà, tín dụng học nghề… với lãi suất bình quân 0,5-0,9%/tháng, mức vay tối đa 30 triệu đồng.

Sự hỗ trợ, đồng hành của CEP không chỉ giúp những người nghèo có việc làm, tăng thu nhập mà quan trọng hơn là đã tạo được niềm tin, sự lạc quan, tiếp thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.


Tạo động lực lớn cho xã hội

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo từ những đồng vốn vay, CEP còn giúp hình thành thói quen tiết kiệm ở những người nghèo đang là thành viên vay vốn, những người tưởng chừng như không bao giờ dư dả để gửi tiết kiệm. Từ những đồng vốn tiết kiệm của các thành viên, đến nay tổng số dư tiết kiệm của CEP là hơn 1.000 tỷ đồng, được tiếp tục tái cấp vốn đối với các thành viên nghèo khác trong cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, chính từ số tiền từ 5-10 nghìn đồng/tháng tuy rất nhỏ nhưng CEP đã dần dần giúp người dân thay đổi hành vi từ “không tiết kiệm” thành “có tiết kiệm”, từ “vay mượn” sang “tự chủ” giúp họ có thể rút tiết kiệm khi cần giải quyết việc cấp bách trong gia đình, hạn chế vay tín dụng đen. Đây là cách làm hay để giúp đỡ người dân thay đổi nhận thức, tư duy.

Gia đình anh Trần Văn Biển đã thoát nghèo nhờ những đồng vốn từ CEP, hiện tại dù không còn là thành viên vay vốn từ CEP nhưng gia đình anh Biển vẫn luôn gắn bó với CEP, dùng chính số tiền lãi hàng tháng của gia đình để góp tiết kiệm vào CEP. Mỗi tuần gia đình anh góp vào quỹ 4 triệu đồng với mong muốn CEP sẽ ngày càng nâng số vốn tiết kiệm để nhiều gia đình tiếp cận vốn hơn.

Qua câu chuyện này, với cách làm của CEP không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ nét qua việc khơi dậy, phát huy truyền thống tốt đẹp của người dân thành phố. Người nghèo, hộ nghèo bước đầu hình thành thói quen tiết kiệm.

Điều này một mặt không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự nghĩa tình mà đây là công cụ hiệu quả để người nghèo nước đầu nhận thức quyền lợi, trách nhiệm của mình. Từ đó phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng và toàn xã hội, tạo thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi và rộng khắp, đồng thuận chung tay góp sức chăm lo cho dân nghèo, hỗ trợ đỡ đần, cưu mang mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, hình thành các mô hình giảm nghèo lấy sức dân lo cho dân…

Ông Ngô Ngọc Tấn, Trưởng Chi nhánh CEP quận 8 chia sẻ: “Người nghèo trước giờ cứ nghĩ mình không gửi tiết kiệm được. Từ những đồng tiền lẻ tuy rất nhỏ đó không ai ngờ rằng 2-3 kỳ hạn họ lại dư được khoản tiền lớn đến vậy. Chúng tôi làm mọi cách để giúp họ vừa vay, trả nợ, vừa tiết kiệm được, bước ra khó khăn, thay đổi tư duy không tái nghèo bằng cách tiết kiệm của chính mình.”

Song song với hoạt động chính là trợ vốn cho công nhân và người lao động nghèo tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, CEP còn thực hiện nhiều chương trình phát triển cộng đồng như học bổng CEP, mái nhà CEP… nhằm động viên các gia đình thành viên nghèo an cư, thoát khỏi tình trạng bỏ học giữa chừng của con em khách hàng nghèo hiếu học.

Bằng chính sách chăm lo cho đối tượng tương lai, CEP đã tạo “đòn bẩy” giúp những người nghèo vượt lên nhanh, tạo đà cho con em sau này biết tích lũy chăm lo cho cuộc sống.

Tuy nhiên, tốc độ gia tăng dân số cơ học đang là áp lực lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi phần lớn dân nghèo, người lao động nhập cư đang sinh sống, làm ăn tại thành phố chưa có nơi ở và việc làm ổn định.

Mô hình của CEP đã đạt những thành công nhất định nhưng một mình CEP không thể bao quát hết, rất cần những đơn vị đồng hành cùng CEP để công tác giảm nghèo ngày càng bền vững hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục