Trong đợt thực hiện kiểm tra và làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa, phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 trên địa bàn từ ngày 2-4/2, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở ngành, doanh nghiệp phải theo dõi sát diễn biến và sức mua trên thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ và hàng có chất lượng với giá cả ổn định.
Trong quá trình hoạt động, nếu gặp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo trực tiếp cho các đơn vị chức năng để xử lý, đảm bảo việc phân phối hàng tết đến tay người tiêu dùng được thông suốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hàng hoá Tết, đặc biệt tại các Trung tâm thương mại có vốn FDI nhưng cũng dành nhiều gian hàng cho hàng Việt nói chung và hàng bình ổn nói riêng.
Tuy nhiên, các đơn vị, doanh nghiệp cần triển khai trưng bày, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, dễ nhìn nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Mặt khác, tránh để những trường hợp các mặt hàng không bình ổn “ăn theo” và nằm lẫn lộn với hàng bình ổn dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, các sở ngành thành phố cần nhân rộng các cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn nằm sâu trong khu vực có đông khu dân cư và công nhân, sinh viên sinh sống...
Kết quả kiểm tra của đoàn công tác của Thành phố cho thấy, sức mua hàng hóa trên địa bàn thành phố đang tăng mạnh do vào giai đoạn cao điểm người dân mua sắm Tết.
Trong đợt kiểm tra vào chiều ngày 4/2, hầu hết các điểm bán, cửa hàng bị đoàn công tác kiểm tra đột xuất đều có bày bán hàng bình ổn.
Đơn cử, cửa hàng bách hóa tổng hợp do Hội Phụ nữ liên kết với doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường kinh doanh thuộc phường 5, quận Gò Vấp, mặc dù diện tích chỉ rộng khoảng 20m2 và nằm khuất trong khu dân cư nhưng một số mặt hàng như gạo, trứng, dầu ăn, đường… vẫn được sắp xếp ngăn nắp ở một góc nhỏ, niêm yết giá bán công khai đúng quy định.
Tại một số cửa hàng, siêu thị như Satrafood, Co.op Mart... ở những quận-huyện khác, có quy mô khá lớn đều bày bán đủ mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn thị trường.
Trước đó tại trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú, quận Tân Phú, ông Nguyễn Văn Lập, Tổng quản lý Trung tâm cho biết, công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng Tết đã được hoàn tất, với lượng hàng tăng từ hai đến ba lần so với tháng thường.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng, đơn vị này còn chủ động thực hiện các đợt lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, sức mua trong 2 ngày cuối tuần vừa qua đã có sự tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với những ngày trước.
Các mặt hàng được mua nhiều nhất là nhu yếu phẩm, trong đó thực phẩm tươi sống và chế biến chiếm tới 60%.
Tương tự, tại Trung tâm thương mại Lotte Mart Tân Bình, quận Tân Bình, ông Kim Jae Hyun, Giám đốc Điều hành hệ thống Lotte Mart Việt Nam khẳng định: Hàng Tết năm nay rất dồi dào, phong phú và giá bán ổn định.
Hiện tại, Lotte Mart Tân Bình đang kinh doanh khoảng 25.000 mặt hàng, trong đó hàng Việt Nam chiếm đến 95%. Vào ngày thường doanh thu bình quân của đơn vị này đạt 600 đến 700 triệu đồng/ngày, tuy nhiên trong 2 ngày cuối tuần vừa qua đã tăng lên 1,2 tỷ đồng/ngày.
Báo cáo với đoàn công tác trong buổi làm việc, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết: Nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Công ty Sài Gòn Food đã tung ra thị trường hơn 550 tấn thực phẩm các loại, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng chủ lực của Công ty Sài Gòn Food vẫn là sản phẩm nước lẩu cô đặc, thực phẩm chế biến và cháo dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, Công ty Sài Gòn Food cũng đưa ra thị trường một số sản phẩm mới như tôm hấp, cồi sò điệp, lẩu Miso (lẩu Nhật Bản) và các mặt hàng đặc trưng cho mùa Tết trong bộ sản phẩm "Đặc sản Tết Việt."
Đặc biệt, Công ty Sài Gòn Food không tung hàng ồ ạt mà thực hiện giải pháp vừa sản xuất thành phẩm hoàn chỉnh, vừa trữ nguyên liệu và theo dõi thị trường để điều chỉnh sản lượng hàng hóa hợp lý.