Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 phát triển thêm 300 hợp tác xã và 5 liên hiệp hợp tác xã; tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế hợp tác xã đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố đạt 0,6%.
Đây là định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2030 vừa được Ủy ban Nhân dân Hồ Chí Minh ban hành.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích phát triển hợp tác xã cả về chất lượng, số lượng trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế; thu hút mọi giới, thành phần xã hội tham gia, nhất là thanh niên và phụ nữ.
Qua đó, thu hút thêm 30.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác xã; tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng đạt trên 60%. Còn lại đạt trình độ trung, sơ cấp; xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ (hợp tác xã quản lý chợ).
Cụ thể, đối với hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, giữ vững xếp loại hoạt động tốt, khá; nâng dần chất lượng hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động trung bình, yếu.
Đồng thời, khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới; phấn đấu 100% xã nông thôn mới có hợp tác xã hoạt động trên địa bàn và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững...
Trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng, phát triến các hợp tác xã hiện có, hoạt động trong các ngành nghề như thêu đan, đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre lá... và các sản phẩm làng nghề truyền thống; gắn kết các hợp tác xã với chương trình khuyến công để hỗ trợ các hợp tác xã cùng với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.
Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm công nghiệp, tạo tiền đề cho việc hình thành các làng nghề công nghiệp mới, bảo tồn các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống; phát triển hợp tác xã mới từ các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ hộ sản xuất gia đình nguồn vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
[Hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với nguồn vốn vay hiệu quả]
Trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục củng cố các hợp tác xã hiện có, phát triển hệ thống cửa hàng hợp tác xã bán lẻ hàng tiêu dùng theo phương thức bán hàng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa.
Cùng với đó, phát triển các hợp tác xã thương mại bán lẻ; xây dựng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã thương mại với hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ nông nghiệp; phát triến các hợp tác xã quản lý kinh doanh chợ, thu hút đông đảo tiểu thương tham gia hợp tác xã, nhất là tại các chợ đầu mối để mở thêm các hoạt động xếp dỡ, vận chuyến hàng hóa; vệ sinh môi trường; bảo vệ; tham gia phân phối hàng hóa cho các điểm bán lẻ...
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, bốc xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tăng quy mô và giảm đầu mối các hợp tác xã nhỏ lẻ; ưu tiên phát triển phương tiện mới sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.
Cùng với việc tăng cường công tác giám sát việc tập huấn nghiệp vụ của người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn, thành phố tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được ưu tiên về bến bãi, đáp ứng nhu cầu phát triển số lượng phương tiện đến năm 2030...
Trong lĩnh vực dịch vụ môi trường, thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng đại học về công tác tại đơn vị, hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện thu gom vận chuyển rác, giao địa bàn hoạt động... để chuyển đối các nghiệp đoàn, tổ thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã vệ sinh môi trường; phát triển các hợp tác xã vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2030 các quận của thành phố đều có hợp tác xã vệ sinh môi trường hoạt động trong phạm vi quận hoặc liên phường...
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 610 hợp tác xã; trong đó có 526 hợp tác xã đang hoạt động trong các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tín dụng, vận tải, nông nghiệp, vệ sinh môi trường.
Số lượng hợp tác xã phát triển mới tăng dần qua các năm, đặc biệt từ năm 2016 đến nay. Số hợp tác xã thành lập mới mỗi năm khoảng 50 hợp tác xã, tổng số thành viên hợp tác xã hơn 58.600 người.
Quy mô, phạm vi hoạt động của hợp tác xã được mở rộng, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với nhau và với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố, tăng quy mô nguồn vốn và thu hút thêm lao động.
Một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố khác, kể cả nước ngoài./.