TP.HCM: Đối thoại tháo gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Đây là lần đầu tiên chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.
TP.HCM: Đối thoại tháo gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngày 25/3, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp Hàn Quốc” nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng và vượt bậc và trở thành “Đối tác hợp tác chiến lược” từ năm 2009.

Theo đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc. Nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, với những con số minh chứng ấn tượng. Cụ thể, Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn.

Tính hết năm 2020, Hàn Quốc có hơn 8.900 dự án còn hiệu lực đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 70,65 tỷ USD, đứng đầu trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, về cả tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Về thương mại, năm 2020, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 66 tỷ USD.

Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD. Về nhập khẩu, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Thành phố, với kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD.

Đặc biệt, trong 2 tháng đầu nay đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt hơn 366 triệu USD, tăng 30,3%, và nhập khẩu đạt hơn 701 triệu USD, tăng 47,3% năm so với cùng kỳ.

[Đối tác Hàn Quốc ký thỏa thuận điều hành trung tâm thương mại Việt Nam]

Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan chia sẻ đây là lần đầu tiên một sự kiện do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ lắng nghe, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp. Đồng thời, là dịp để hai bên thảo luận sâu rộng về chiến lược phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh và phương án hợp tác tương lai giữa hai nước.

Theo ông Park Noh Wan, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn dành sự quan tâm và mong muốn được tham gia tích cực vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như quy hoạch phát triển đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành…

Đề cập đến các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh, đại diện East Join Auditing Company kiến nghị về việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo Nghị định quản lý thuế mới của Việt Nam, dự kiến có hiệu lực trong năm 2021, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý tính đến quý 3 tới nếu không đạt 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế tính theo quyết toán cả năm, doanh nghiệp phải nộp phạt chậm nộp.

Điều này có nghĩa là thời điểm tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 tới, doanh nghiệp cần phải dự đoán tổng số thuế của cả năm. Tuy nhiên, việc dự đoán chính xác tương lai của tối thiểu 3 tháng trong hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng như tình hình kinh tế hiện tại là rất khó.

“Để  hợp lý hơn, chúng tôi đề nghị sửa đổi căn cứ để tính số tiền thuế dự kiến phải nộp dựa trên tổng số thuế đã nộp trong năm trước hoặc theo doanh số thực tế của các quý trong năm đã được khai báo với cơ quan thuế thay vì dựa vào việc dự đoán không chắc chắn về số thuế tương lai,” đại diện East Join Auditing Company nêu nguyện vọng.

Liên quan tới vấn đề thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Công ty Teakwang Vina nêu vấn đề, hiện nay, đang có sự phân biệt đối xử đối với các trường hợp đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu giữa các địa phương.

TP.HCM: Đối thoại tháo gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 2Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nêu các kiến nghị tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Cụ thể, các trường hợp đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, mức phí sử dụng sẽ gấp đôi so với trường hợp đăng ký tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh dù đều dùng chung dịch vụ cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, cũng có trường hợp các công ty ở địa phương khác phải trả thêm các khoản phí khác như phí sử dụng đường bộ. Điều này làm tăng gánh nặng kinh tế lên các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh thành, địa phương khác. Mặt khác, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh xem xét miễn phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh các vấn đề trên, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng kiến nghị về việc đơn giản hóa và cải thiện các thủ tục hành chính tổng thể liên quan đến đầu tư nước ngoài. Theo đó, các thủ tục hành chính như phát triển dự án, thành lập thêm pháp nhân, giấy phép chuyển đổi pháp nhân, thủ tục mua đất cho các dự án nước ngoài của các công ty FDI còn phức tạp và chưa được rõ ràng gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư của các doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc kiến nghị các cơ quan quản lý của Thành phố có giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường hướng dẫn các thủ tục liên quan đến tổng thể đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng hơn.

 “Việc đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục hành chính có thể giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Điều này sẽ trực tiếp tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố, từ đó khuyến khích đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đầu tư mở rộng,” ông Kim Heung Soo nhấn mạnh.

Giải đáp vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Đề án thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển đã được Thành phố Hồ Chí Minh thông qua và sẽ triển khai thực hiện từ 1/7/2020.

TP.HCM: Đối thoại tháo gỡ khó cho doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh 3Đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc nêu các vướng mắc tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo ông Nghiệp, hàng năm Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư một khoản kinh phí lớn để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển nhằm phục vụ hoạt động vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, do mật độ lưu thông, sử dụng dịch vụ quá cao, tập trung tại cảng Cát Lái nên hạ tầng bị xuống cấp nhanh. Để cải thiện tình trạng trên, Thành phố Hồ Chí Minh cần sự đóng góp từ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được nâng cấp, đầu tư mới các công trình phục vụ doanh nghiệp.

Liên quan đến ý kiến phản ánh một số dự án đầu tư có thời gian cấp phép lâu hơn bình thường, bà Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay, Việt Nam đã cam kết mở cửa cho các đối tác tham gia sâu hơn vào nhiều lĩnh vực để phù hợp với các cam kết của WTO hoặc các hiệp định song phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sửa đổi Luật Đầu tư cho phù hợp với nhu cầu thực tế, cụ thể một số ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, tác động tiêu cực đến môi trường sống sẽ được thẩm định kỹ, thời gian cấp phép đầu tư có thể lâu hơn quy định thông thường. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đã thành lập bộ phận hỗ trợ làm thủ tục đầu tư, do đó doanh nghiệp gặp vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp tại Sở để được hỗ trợ tốt nhất.

Bên cạnh các vấn đề đã được giải đáp trực tiếp tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành tập hợp toàn bộ ý kiến phản ánh và đề xuất của doanh nghiệp để chuyển lên cấp trên xử lý đúng thẩm quyền. Đặc biệt, với vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Phong đề nghị Cục thuế Thành phố tổng hợp kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và đăng ký làm việc với Bộ Tài chính để có hướng xử lý.

Liên quan đến thu phí sử dụng dịch vụ cảng biển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính và Cục Hải quan thành phố tiếp tục ghi nhận ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để có phương án triển khai phù hợp với điều kiện thực tế. Vừa đảm bảo nguồn thu phục vụ đầu tư hạ tầng nhưng không để các loại phí gây khó khăn, cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Với những vấn đề đúng thẩm quyền của thành phố mà các sở, ngành chưa giải đáp được tại hội nghị, ông Nguyễn hành Phong yêu cầu các đơn vị sắp xếp trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp và xác định thời gian xử lý rõ ràng, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải kiến nghị một vấn đề nhiều lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.