Chiều 21/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều, theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật giúp cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước; thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số ý kiến cho rằng cần có những quy định cụ thể có tính nguyên tắc về hoạt động kiểm tra như xác định thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục, kết quả kiểm tra và các vấn đề có liên quan tới hoạt động kiểm tra; cần quy định rõ thời hạn để đảm bảo thực hiện thống nhất, tránh kéo dài ở những giai đoạn chưa quy định cụ thể thời hạn và đây cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn (Kiểm toán Nhà nước Khu vực IV), cần xem xét bổ sung quy định thời gian tối đa được tạm dừng cuộc thanh tra để tránh việc tạm dừng bị lợi dụng; chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tạm dừng cuộc thanh tra. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định về đình chỉ thanh tra với lý do chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, vì việc chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra đã có các nguyên tắc để xử lý.
Đồng tình duy trì thanh tra cấp huyện, đại diện Ủy ban Nhân dân quận 3 cho rằng thanh tra huyện là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng ngoài chức năng thanh tra. Việc giải quyết nhanh chóng, gắn liền với cơ sở, phù hợp thực tiễn đã tạo sự tin tưởng của nhân dân với chính quyền địa phương, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân.
[Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất bỏ thanh tra huyện]
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân quận 3, việc bỏ thanh tra cấp huyện để chuyển cho thanh tra cấp tỉnh sẽ dẫn đến tình trạng các vụ việc phát sinh từ cơ sở không được xem xét giải quyết kịp thời, dẫn đến tồn đọng công việc, gây bức xúc kéo dài, sẽ có tâm lý chờ thanh tra cấp tỉnh kết luận mới giải quyết và khối lượng lớn công việc dồn cho cấp tỉnh.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, việc không quy định về thanh tra nhân dân trong dự thảo Luật Thanh tra là phù hợp, bởi dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng đang tổ chức lấy ý kiến và nhiều chuyên gia thống nhất việc đưa nội dung thanh tra nhân dân vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, không quy định về thanh tra nhân dân trong dự thảo Luật Thanh tra và kiến nghị Quốc hội đưa nội dung thanh tra nhân dân vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được soạn thảo là phù hợp với tính chất mức độ, nhiệm vụ của thanh tra nhân dân. Thanh tra Nhà nước khác với thanh tra nhân dân. Thanh tra nhân dân do nhân dân, do cán bộ, công chức, viên chức suy cử để thực hiện việc giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Sáng cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Đa số đại biểu cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số./.