Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ các cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Thành phố Hồ Chí Minh: Nguy cơ từ 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ
Tất cả cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tái kích hoạt toàn bộ biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất; sẵn sàng phương án ứng phó với tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn.
Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 thành phố vào ngày 10/5.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, tính đến ngày 10/5, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 267 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 69 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 25,84%).
Hiện tại, 243 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh. Thành phố đang điều trị cho 24 ca mắc COVID-19, sức khỏe các bệnh nhân ổn định.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ các cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Thành phố có nhiều khu cách ly tập trung nên nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu không đảm bảo điều kiện về cách ly tập trung.
[Phó Thủ tướng: Kiên quyết không để xuất nhập cảnh trái phép]
Thành phố cũng có nhiều người sau cách ly tập trung trở về, đặc biệt các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh để làm việc ngay sau khi kết thúc cách ly, là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng nếu không tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch sau cách ly (hạn chế tiếp xúc, đi lại...).
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều bệnh viện tuyến cuối, phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, nguy cơ nhập cảnh trái phép luôn có tại thành phố, thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, lại lo ngại nguy cơ từ những người dân đến thành phố từ các vùng dịch trong nước.
“Chúng tôi đã ban hành các quy định giám sát, cách ly đối với người đến từ vùng dịch nhưng điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức khai báo của người dân. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện triển khai các Tổ COVID-19 cộng đồng. Đây là lực lượng giám sát hiệu quả việc phát hiện sớm những người đi về từ vùng dịch trong thời gian qua,” ông Nguyễn Trí Dũng nêu ý kiến.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, khu công nghiệp, sở, ngành kích hoạt toàn bộ Bộ chỉ số an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho từng lĩnh vực ở mức cao nhất; đặc biệt là chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh lan rộng.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thành phố sẽ triển khai các khu cách ly tập trung, nâng lên 10.000 giường và sẵn sàng phương án tổ chức điều trị cho 100-200 người mắc COVID-19.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu, ngành y tế cần có phương án xây dựng thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Tất cả phải sẵn sàng chuẩn bị, dịch đến rất nhanh nếu không chủ động chúng ta sẽ thất thủ,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, thành phố cần đẩy mạnh nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, ưu tiên phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường sử dụng các hội nghị trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính viễn thông, phát huy tối đa hệ thống liên thông văn bản giữa các cơ quan nhà nước và trao đổi thông tin qua thư điện tử công vụ.
Bên cạnh đó, cần nâng cao tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua kênh tương tác trực tiếp; có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử.
Các nhà hàng, phương tiện công cộng vẫn được phép hoạt động nhưng cần tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế và không tập trung quá 30 người, không chở quá 50% công suất phương tiện.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, xí nghiệp luôn phải đảm bảo các quy định phòng, chống dịch một cá
Hà Nam nâng gấp đôi công suất xét nghiệm của tỉnh
Chiều 10/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức lễ tiếp nhận Phòng xét nghiệm sinh học phân tử công nghệ cao Realtime-PCR do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam tài trợ với tổng trị giá 5,5 tỷ đồng.
Theo ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam, với tinh thần chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch COVID -19, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đã vận động được 35 doanh nghiệp thành viên ủng hộ 5,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Phòng xét nghiệm sinh học phân tử công nghệ cao Realtime-PCR.
Đây là món quà thể hiện tinh thần tiên phong đóng góp cho công tác an sinh xã hội. của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam - đơn vị tiếp nhận sự hỗ trợ, ngoài chức năng xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu, thực hiện nhiệm vụ chính trị thì đối với các xét nghiệm virus liên quan đến các bệnh lây nhiễm khác, bệnh viện chỉ nên tính phí cho nhân dân gồm: chi phí nhân công, vật tư tiêu hao, bảo trì bảo dưỡng mà không tính đến khấu hao phương tiện.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy đã cám ơn tấm lòng hảo tâm vì cộng đồng của các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam.
Theo ông, việc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tài trợ Phòng xét nghiệm sinh học phân tử công nghệ cao Realtime-PCR có ý nghĩa thiết thực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Hiện nay, Hà Nam mới chỉ có một phòng xét nghiệm sinh học phân tử công nghệ cao Realtime-PCR đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Việc có thêm phòng xét nghiệm này sẽ nâng công suất xét nghiệm của tỉnh lên gấp đôi, giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh được thuận lợi hơn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam quản lý, điều hành phòng xét nghiệm một cách hiệu quả./.