TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân

Bước vào giai đoạn mới, Thành phố mang tên Bác đã chuẩn bị sẵn sàng với tâm thế mới để phát triển toàn diện, bền vững, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.”
TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Với vai trò, vị trí đầu tàu của khu vực và cả nước trong phát triển, nhất là lĩnh vực kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới và sáng tạo, tiên phong trong nhiều lĩnh vực.

Bước vào giai đoạn mới, Thành phố mang tên Bác đã chuẩn bị sẵn sàng với tâm thế mới để phát triển toàn diện, bền vững, với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.”

Nhiều điểm sáng nổi bật

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện thành phố có biến động về nhân sự, phải xử lý những vụ việc phức tạp kéo dài, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; 11/14 chỉ tiêu Đại hội X Đảng bộ thành phố đã hoàn thành, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, ước giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%, tỷ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, trong đó yếu tố năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. Đến cuối năm 2020, địa bàn thành phố có 10.321 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư, kể cả cấp mới và tăng vốn là 49,2 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển về quy mô, nâng cao về chất lượng, đặc biệt lĩnh vực y tế có sự tiến bộ vượt bậc, đảm bảo những điều kiện tốt để chăm lo cho sức khỏe nhân dân.

TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 2Sau khi hoàn thành, tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho giao thông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thành phố tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đồng bộ hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo định hướng phát triển chuyên sâu như sử dụng trí tuệ nhân tạo của robot trong phẫu thuật thần kinh…

Thành phố là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện thí điểm mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm, bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vững vai trò trung tâm khoa học-công nghệ của cả nước, từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Đến cuối năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 2 năm cuối (2019-2020) của giai đoạn 2016-2020.

[TP.HCM tiếp thu nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị]

Đến cuối năm 2020, hoàn thành mục tiêu “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.” Đặc biệt, năm 2020 trước đại dịch COVID-19, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp sáng tạo phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và phục hồi kinh tế.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động nhân dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu quả hơn; cán bộ, đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lòng tin trong Nhân dân từng bước được củng cố, đóng góp quan trọng vào ổn định, bảo vệ và phát triển thành phố.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng nhận diện, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Công tác tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, nhất là người đứng đầu có tiến bộ.

TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 3Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, 5 năm qua, thành phố đối diện với nhiều thách thức, như nguy cơ giảm mức vượt trội tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh rất rõ; tình trạng khiếu nại kéo dài, cùng công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả.

Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế, với tốc độ bình quân 7,12% trong 4 năm qua, đóng góp cho kinh tế cả nước trên 22%, đóng góp cho ngân sách cả nước khoảng 27%; đặc biệt, năng suất lao động cao gấp 2,6 lần so với cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. “Như vậy, mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X đã đề ra, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm được,” ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Đánh giá cao về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tại Hội nghị công bố về công tác cán bộ tại thành phố vào ngày 11/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: Qua làm việc với Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đặc biệt ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2015-2020.

Kết quả thể hiện rõ ở chỉ số GRDP, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động cũng cao hơn cả nước là 2,65 lần.

TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 4Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Cơ cấu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chuyển dịch theo hướng thể hiện sự năng động nhất cả nước. Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thực hiện được “mục tiêu kép” và phấn đấu tăng trưởng ở mức 5%, trong khi cả nước đạt khoảng 2,3%. Với quy mô kinh tế lớn, mức tăng trưởng 5% sẽ góp phần thích cực kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước đi lên.

Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Bước vào nhiệm kỳ mới, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh xác định lãnh đạo thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, thành phố phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực.

Thành phố xác định quan điểm phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Vì vậy, thành phố phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí tự cường và truyền thống, phát huy vai trò nền tảng của văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc để thành phố và đất nước phát triển bền vững.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị trong quá trình chuẩn bị Đại hội, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nêu rõ: Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.

Khơi dậy khát vọng và sức sáng tạo của nhân dân Thành phố, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên. Không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân thành phố.

Để phát triển bền vững, thành phố xác định phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G; đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa các bên trên các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 5Tuyến đường Lê Hồng Phong, quận 10 trang hoàng rực rỡ cờ, hoa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh xác định các mốc mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500-9.000 USD.

Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000-14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển thành phố giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ thành phố xây dựng và thực hiện 4 chương trình đột phá và trọng điểm với 51 dự án, chương trình thành phần.

Cụ thể gồm: Chương trình đột phá đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình đột phá phát triển hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực Thành phố Hồ Chí Minh.

TP.HCM hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, vì hạnh phúc nhân dân ảnh 6Nút giao thông An Sương được hoàn thành vào tháng 9/2020 với quy mô 3 tầng, gồm: hầm chui, cầu vượt và tầng mặt đất. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chưa bao giờ thế phát triển, lực phát triển và cơ chế phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tốt như bây giờ.

Thành phố định hình hạt nhân phát triển trong giai đoạn tới là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, về mặt hành chính là sự sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Điều đó cho thấy, cơ chế phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang tốt hơn và có quan hệ ngày càng tốt hơn với các tỉnh, thành; quan hệ quốc tế được tăng cường; quan hệ giữa Đảng với dân trong nhiệm kỳ qua tốt.

Công tác nhân sự nhiệm kỳ mới đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tiến hành các bước theo đúng quy định của Đảng và theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương.

Đối với người đứng đầu Đảng bộ Thành phố trong nhiệm kỳ tới, ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, Bộ Chính trị đã có quyết định điều động chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giới thiệu bầu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 tại Hội nghị thứ nhất Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại hội nghị trao quyết định, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc phân công lãnh đạo chủ chốt đối với một Đảng bộ lớn, quan trọng như Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trước Đại hội Đảng bộ thành phố 5 ngày đã được xem kỹ lưỡng, toàn diện.

Bộ Chính trị nhận thấy, đây là phương án phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của thành phố hiện nay, cũng như yêu cầu của Trung ương, bảo đảm sự kế thừa, phát triển của đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, trách nhiệm cao về mọi mặt cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh từ chủ trương, chính sách, mục tiêu cụ thể cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới, cùng với truyền thống yêu nước, cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ thành phố sẽ vượt qua thử thách, nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành phố Anh hùng, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.