Sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 128) quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” Thành phố Hồ Chí Minh đang kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo từng bộ tiêu chí an toàn.
Tuy nhiên, số lượng ca mắc COVID-19, đặc biệt là số ca tử vong vẫn tăng, đòi hỏi người dân, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước cần nâng cao ý thức cảnh giác, không chủ quan lơ là và tiếp tục có các giải pháp chống dịch quyết liệt, hiệu quả.
“Sống chung” nhưng không được chủ quan
Buổi tối nhiều ngày gần đây, tại khu vực Công viên Thanh Đa (đường Tầm Vu, phường 26, quận Bình Thạnh) hay trước cổng Công viên Lê Thị Riêng (Quận 10) vẫn có nhiều hàng quán, xe đẩy hàng rong bán cho khách ăn uống tại chỗ, đa số là các bạn trẻ. Nhiều khu vực bàn ghế xếp sát nhau, khách ngồi nói chuyện rôm rả, không đeo khẩu trang, không đảm bảo khoảng cách.
Tương tự, trên tuyến đường Vạn Kiếp (phường 3, quận Bình Thạnh), nhiều bạn trẻ tụ tập ăn uống, nói chuyện trong không gian chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Khách ra vào quán thoải mái, không cần khai báo y tế, không sát khuẩn tay…
Theo một số người dân, họ đã quen và dần thích ứng với cuộc sống “bình thường mới,” chấp nhận và sống chung an toàn với dịch bệnh. Không còn cảnh rào chắn, tiếng hú còi liên tục của xe cấp cứu nên cảm thấy bớt áp lực và đỡ lo sợ hơn những ngày dịch bùng phát cao điểm.
[Các cơ sở giáo dục TP.HCM thích ứng an toàn từng cấp độ dịch]
Chị Nguyễn Minh Thu (trú tại đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh) cho biết trong hẻm mà chị đang sống, nhiều gia đình có F0 cách ly và điều trị tại nhà nhưng mọi người xung quanh vẫn sinh hoạt bình thường, luôn hỏi thăm sức khỏe, động viên và hỗ trợ những gia đình thực hiện cách ly.
Khi có ca mắc COVID-19, mọi người nhắc nhở nhau nên cẩn trọng hơn và luôn tuân thủ nghiêm túc biện pháp 5K theo quy định.
Anh Nguyễn Đức Tú (ngụ đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình) cảm thấy an tâm hơn khi mọi người đã có ý thức phòng, chống dịch bệnh. Dãy trọ anh đang sinh sống có 10 phòng, trong đó hai phòng có F0 đang cách ly tại nhà.
Dù có ca mắc nhưng mọi người đã có ý thức và bình tĩnh hơn, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường, luôn cẩn trọng, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Cô Võ Thị Bích Vân, Tổ trưởng tổ 46, Khu phố 11, phường 15, quận Tân Bình cho hay từ khi chuyển sang giai đoạn “bình thường mới,” mọi người trong khu phố đã dần thích ứng sống chung an toàn với dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc, nói chuyện, tụ tập và luôn đảm bảo quy định 5K.
“Trong tổ có khá nhiều hộ gia đình và phòng trọ có ca F0 đang cách ly và điều trị tại nhà. Các hộ gia đình trong tổ vẫn sinh hoạt, đi làm, đi chợ bình thường, không còn mặc cảm, sợ hãi như trước. Đồng thời, thường xuyên hỏi thăm sức khỏe và hỗ trợ thực phẩm, thuốc men cho hàng xóm những lúc cấp thiết," cô Võ Thị Bích Vân chia sẻ.
Khi chuyển sang giai đoạn “bình thường mới,” “thích ứng linh hoạt,” một số cơ quan quản lý địa phương bắt đầu thể hiện sự lơ là.
Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản khẩn tới Ủy ban Nhân dân, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố về việc quy định đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương. Nguyên nhân là thời gian gần đây một số quận, huyện chưa thực hiện đúng trong việc sử dụng số liệu để đánh giá cấp độ dịch.
Trước tình hình đó, Sở Y tế đề nghị các địa phương phải đảm bảo về trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cho các Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng và F0 cách ly tại nhà được chăm sóc, quản lý theo quy định.
Đảm bảo môi trường làm việc an toàn
Khác với điều kiện phòng, chống dịch tại các khu dân cư, môi trường nhà máy, công xưởng luôn gắn với hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, các đơn hàng mà ở đó, sức khỏe công nhân, người lao động quyết định đến năng suất sản xuất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đây luôn được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho biết Nghị quyết 128 của Chính phủ đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng, chống dịch phù hợp, với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt COVID-19.”
“Mở cửa” không có nghĩa là không tiếp tục phòng, chống dịch mà chuyển sang phòng, chống dịch với một tinh thần mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt,” “chôn chân” người dân một chỗ nữa mà kiểm soát lưu thông một cách khoa học, tạo điều kiện cho bà con mưu sinh, doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách an toàn.
Theo ông Trương Tiến Dũng, dù người lao động đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 nhưng doanh nghiệp vẫn yêu cầu tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế tiếp xúc gần khi không cần thiết. Những khu vực sinh hoạt chung như nhà ăn được gắn thêm các vách ngăn.
Doanh nghiệp cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi ở ngoài nhà máy, tại nơi cư trú. Tuy nhiên, khi đã cho phép người lao động di chuyển ra khỏi nhà máy thì rất khó để kiểm soát như lúc thực hiện sản xuất "3 tại chỗ."
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn, doanh nghiệp không thể chủ động hoàn toàn, nhưng với việc quy định các mức độ dịch, doanh nghiệp có thể đối chiếu tình hình dịch tễ tại địa phương để có kế hoạch hoạt động.
Doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất cụ thể chính là cơ sở tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng, đối tác. Nghị quyết 128 của Chính phủ với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai đến người dân, doanh nghiệp cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho doanh nghiệp, do đó hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn.
Chia sẻ khó khăn trong công tác vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, các doanh nghiệp rất nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoại trừ các nhóm dịch vụ, ăn uống khôi phục chậm do mở cửa muộn, đến nay, 100% số doanh nghiệp trong khu công nghệ cao hoạt động bình thường. Các khu chế xuất, khu công nghiệp đạt gần 100%, còn bên ngoài khu chế xuất, các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trên 95%.
Tuy nhiên, nỗi lo và cũng là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là số F0 trong nhà máy, công ty ngày càng tăng. Các doanh nghiệp phải tìm cách xử lý để không bị gián đoạn sản xuất do đang là cao điểm sản xuất hàng phục vụ nhu cầu cuối năm, đơn hàng nhiều.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu tháng 10/2021 các doanh nghiệp đã dừng thực hiện phương châm sản xuất "3 tại chỗ," chuyển sang sản xuất thích ứng với tình hình mới.
Sau thời gian đình trệ do đứt gãy sản xuất, hoạt động của các doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca, sản xuất trên 100% công suất mới kịp trả đơn hàng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn rất lo lắng khi số ca mắc COVID-19 trong các công ty xuất hiện ngày càng nhiều. Dù không phải phong tỏa cả nhà máy nhưng nếu có nhiều lao động mắc bệnh thì số nhân công phục vụ sản xuất sẽ càng ít, trong khi các doanh nghiệp vẫn đang thiếu lao động.
Theo dõi sát sao biến thể Omicron
Diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng Omicron SARS-CoV-2. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1745/CĐ-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SAR-CoV-2.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch xây dựng thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron với mục tiêu ngăn chặn biến thể xâm nhập, phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể, chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế- xã hội nếu xuất hiện biển thể nguy hiểm.
Về trách nhiệm cả địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các ngành, các cấp vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế trên tinh thần không được chủ quan, lơ là, không hoang mang trước biến chủng mới đồng thời cần nêu cao cảnh giác, áp dụng “5K + vaccine + công nghệ + ý thức người dân.”
Các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác quản ý, tổ chức chăm sóc F0 tại nhà và tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, rút ngắn thời gian điều trị F0 nếu đảm bảo các điều kiện về vaccine và xét nghiệm; triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng như vận động người dân tiêm vaccine, tổ chức tiêm bổ sung, rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm.
Đối với biến thể Omicron, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến dịch trên địa bàn, cập nhật điều chỉnh cấp độ dịch kịp thời, rà soát các phương án, kịch bản xử lý tình huống, thúc đẩy việc mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới trên cơ sở đảm bảo các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Y tế giao các đơn vị trực thuộc rà soát các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Khi ghi nhận người dương tính nhiễm biến thể Omicron sẽ tiếp tục rà soát những người tiếp xúc gần với trường hợp đó và cũng mắc COVID-19 để lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục rà soát trong cộng đồng dân cư địa phương, phối hợp chặt chẽ với ngành Ytế để rà soát trên địa bàn những trường hợp mắc COVID-19 liên quan đến người nhập cảnh và các ổ dịch, chùm ca bệnh khác cần giám sát dịch tễ.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá sau hơn 2 tháng mở cửa trở lại, thành phố đang kiểm soát tốt nhưng dịch bệnh trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc và tử vong trong thời gian gần đây đòi hỏi thành phố phải có những biện pháp chống dịch quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại việc tiêm vaccine, đặc biệt nhóm nguy cơ, năng lực của hệ thống y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, số ca mắc trong cộng đồng vẫn còn cao dẫn tới số ca tử vong tăng lên.
Bộ Y tế đề nghị thành phố tăng cường các giải pháp quản lý rủi ro, quản lý nguy cơ nhằm giảm tỷ lệ ca mắc và tử vong bằng giải pháp huy động các lực lượng (kể cả công an) rà soát lại các trường hợp nguy cơ để lập danh sách quản lý và thực hiện tiêm chủng, tổ chức xét nghiệm định kỳ nhóm nguy cơ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị thành phố rà soát, tổ chức hiệu quả việc quản lý, điều trị những người có bệnh nền, các bệnh không lây nhiễm ngay tại cộng đồng; tiếp tục nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, năng lực hệ thống điều trị, đặc biệt là năng lực về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho người mắc COVID-19./.