TP.HCM: Sẽ có lộ trình cụ thể chấm dứt dạy và học thêm tràn lan

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên thành phố sẽ có lộ trình cụ thể cho chủ trương này.
TP.HCM: Sẽ có lộ trình cụ thể chấm dứt dạy và học thêm tràn lan ảnh 1(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Trước những ý kiến khác nhau về việc thực hiện chỉ đạo cấm toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường học trên địa bàn, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự điều chỉnh trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Theo đó, thành phố tiếp tục khẳng định chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên để thực hiện chủ trương này thành phố sẽ có lộ trình cụ thể.


Chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực

Theo thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố, khẳng định chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực của thường trực Thành ủy là đúng với Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mong muốn của nhân dân thành phố.

Nội dung thông báo cũng cho rằng trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới, phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức, nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận học sinh và phụ huynh.

Vì vậy, việc triển khai chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh, học sinh và đội ngũ thầy cô giáo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo.

Do đó, Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố khẩn trương trình Ban Thường vụ Thành ủy lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Trong đó, cần chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm, học thêm tràn lan; không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh học 2 buổi/ngày và với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội. Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh.

Các trường phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên theo học; phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó, cần chú trọng việc phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng học sinh giỏi (bằng ngân sách của thành phố, không thu phí của học sinh); quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường theo quy định.

Thành phố cũng nghiên cứu nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, giảm sỹ số học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường; tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; tăng cường tổ chức các hoạt động thí nghiệm, thực hành, văn-thể-mỹ, các hoạt động Đoàn-Đội, giáo dục các kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Mặt khác, thành phố thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở, nâng thu nhập cho cán bộ và giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên toàn tâm, toàn ý chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực của thành phố.

Về lâu dài, thành phố tập hợp các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo có chuyên môn cao, uy tín, giàu kinh nghiệm tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng chương trình mới, tạo điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích học sinh tự học, hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho học sinh.


Học thêm là nhu cầu có thật

Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu chỉ cho con học những tiết học chính khóa trên lớp thì kiến thức chỉ đạt ở mức độ trung bình; nếu muốn con học giỏi, đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi phải học thêm. Chia sẻ về vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng hầu hết con họ đều đi học thêm, đặc biệt là những lớp học 1 buổi/ngày.

Theo các phụ huynh, việc học thêm là nhu cầu của học sinh, mong muốn bản thân có thêm kiến thức, theo kịp bài học và có thể vượt qua được các kỳ thi quan trọng.

Cơ bản thời gian học chính khóa trên lớp là chưa đủ, chưa đảm bảo lượng kiến thức, đáp ứng yêu cầu và đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng khi về nhà phụ huynh lại không có thời gian; đồng thời cũng không có phương pháp để kèm cặp cho con em mình. Do vậy, việc đến trường hay trung tâm học thêm là lựa chọn phổ biến của nhiều học sinh, phụ huynh hiện nay.

Các phụ huynh cũng cho rằng, cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng tiêu cực, ép buộc học sinh học thêm.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản (quận 12) cho biết trường đang học 2 buổi/ngày nên đã không tổ chức dạy thêm.

Theo đánh giá của cô Ánh Mai, đối với những trường học 2 buổi/ngày, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về kiến thức. Còn những trường chỉ học 1 buổi/ngày, chưa đủ thời gian để truyền tải hết kiến thức cho các em, vì vậy việc cho phép dạy thêm trong trường đối với các trường dạy 1 buổi/ngày là hợp lý, là điều cần thiết đối với học sinh.

Thầy cô có thêm thời gian giúp đỡ học sinh luyện tập bài vở, do về nhà phụ huynh không có thời gian, điều kiện kèm cặp, hướng dẫn các em.

Theo cô Ánh Mai, việc học thêm là nhu cầu có thật của học sinh nhằm nâng cao kiến thức. Nhưng bên cạnh việc nâng cao kiến thức, cũng có không ít trường hợp học sinh đi học thêm là do tâm lý của bản thân cũng như phụ huynh khi thấy hầu hết học sinh đều đi học thêm.

Về lâu dài, để chấm dứt việc dạy thêm, học thêm, ngành giáo dục cần thay đổi phương thức đánh giá, thi cử. Nếu đánh giá, thi cử với lượng kiến thức nhẹ nhàng hơn thì học sinh sẽ không có nhu cầu học thêm.

Trao đổi về chủ trương quản lý dạy thêm, học thêm, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc dạy thêm, học thêm đã có từ lâu, trước đây mục đích của việc dạy thêm là bồi dưỡng nâng cao năng lực học tập, kiến thức cho học sinh yếu; đồng thời đào tạo nâng cao trình độ cho học sinh giỏi các cuộc thi của thành phố, quốc gia, quốc tế.

Những năm gần đây, việc dạy thêm, học thêm ngày càng trở nên phổ biến hơn do có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ nhu cầu có thật của học sinh và phụ huynh.

Theo ông Võ Văn Hoan, việc dạy thêm, học thêm thành phố vừa qua đạt được những yêu cầu nhất định, giải quyết được nhu cầu của học sinh, phụ huynh, nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực.

Với mong muốn nhanh chóng giải quyết những vấn đề tiêu cực đó, vừa qua thành phố đã thực hiện cấm dạy thêm trong trường học.

Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị tâm lý cho phụ huynh, học sinh cũng như giáo viên, nên khi thực hiện nội dung này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, tạo những bức xúc, tâm lý căng thẳng trong xã hội.

Theo lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố kiên trì, kiên quyết thực hiện chủ trương cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, mang tính tiêu cực, đồng thời quá trình triển khai thực hiện cần có lộ trình; trong đó vấn đề tích cực thì giữ lại và phát huy, tiêu cực kiên quyết dẹp bỏ.

Chủ trương của thành phố là cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, mang tính tiêu cực đúng tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục