TP.HCM: Tái đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực cảng biển

TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển và sử dụng nguồn thu này để tái đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực cảng biển.
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 1/7 tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn.

Do đó, việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai thực hiện. Nguồn thu từ đây sẽ được tái đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực cảng biển.

Thử nghiệm từ giữa tháng 6/2021

Cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container 20ft; 1 triệu đồng/container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay các đơn vị đã đảm bảo được tiến độ, dự kiến giữa tháng 6/2021 sẽ thử nghiệm vận hành hệ thống và từ ngày 1/7 sẽ chính thức triển khai thu phí.

Hiện, chỉ còn một vài thủ tục pháp lý đang hoàn thiện, chờ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy trình, các bước thực hiện thu phí dự kiến sẽ ban hành trong vài ngày tới.

Vì vậy, trong quá trình thử nghiệm, các đơn vị sẽ thao tác như khi triển khai chính thức nhưng không thu phí, các doanh nghiệp cũng sẽ kê khai theo mẫu mới.

Về phía đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thu phí, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc chuẩn bị đã cơ bản, các nhà thầu đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại để vận hành hệ thống.

Theo tiến độ, ngày 15/6 sẽ hoàn chỉnh hệ thống và đưa vào vận hành thử nghiệm sau đó. Toàn bộ quá trình thu phí hạ tầng cảng biển đều không dùng tiền mặt mà thanh toán qua hệ thống điện tử 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử.

Theo quy trình, người nộp phí kê khai thông tin hàng hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan. Sau đó, thực hiện khai nộp phí bằng cách nhập thông tin số tờ khai hải quan xuất nhập khẩu lên hệ thống thu phí của cảng vụ. Hệ thống thu phí tự động sẽ thông tin về số tiền phải nộp.

Người nộp phí sử dụng các ứng dụng thanh toán 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử để nộp phí. Biên lai điện tử sẽ được tạo tự động và gửi cho người nộp để họ hoàn tất thủ tục ra vào cảng.

[Khối lượng hàng container xuất nhập khẩu tăng trưởng hai con số]

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Cục Hải quan thành phố họp với các doanh nghiệp cảng, ngân hàng thương mại về hướng dẫn việc kết nối tới hệ thống thu phí để chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm.

“Về mặt thủ tục hành chính thì không có tăng thêm thủ tục. Doanh nghiệp chỉ kê khai thêm một dòng trong tờ khai hải quan nên sẽ không gặp khó khăn,” ông Bùi Hòa An chia sẻ.

Đối với kiến nghị lùi thời hạn thực hiện thu phí theo đề xuất của một số doanh nghiệp, ông Bùi Hòa An cho biết, thời điểm năm 2019 và năm 2020, khi xây dựng Đề án thì thành phố dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2021.

Sau khi lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, mặt trận đoàn thể về phản biện xã hội, thành phố quyết định lùi lại thời hạn thực hiện là từ ngày 1/7/2021.

Ngoài ra, hiện sản lượng vận tải hàng hóa qua đường thủy và đường biển tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng đều, với mức tăng khoảng 5% mỗi tháng.

Tái đầu tư cho hạ tầng giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ số thu phí hạ tầng cảng biển, sau khi trừ chi phí phục vụ thu phí được nộp vào ngân sách thành phố. Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển gồm đường bộ và đường thủy.

Điều này sẽ tạo điều kiện kéo giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyên, giảm chi phí logistics, góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu phí hạ tầng tại 26 cảng biển; trong đó, tập trung chủ yếu tại khu vực Cát Lái. Hiện sản lượng hàng hóa qua cảng Cát Lái chiếm khoảng 95% cảng biển của thành phố, 25 cảng còn lại chỉ chiếm khoảng 5%.

Việc đầu tư hạ tầng giao thông cũng được ưu tiên cho khu vực Cát Lái và một số dự án tại cảng Hiệp Phước, Trường Thọ.

Theo đó, nguồn lực sẽ ưu tiên đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, nút giao thông Mỹ Thủy hoàn chỉnh theo quy hoạch; khép kín đường Vành đai 2 từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ đường 990 đến Vành đai 2); xây dựng đường liên cảng Cát Lái-Phú Hữu, xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4.

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ các công trình đang triển khai như mở rộng đường Đồng Văn Cống, Lã Xuân Oai, Lương Định Của, Xa lộ Hà Nội bao gồm mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ nút Tân Vạn đến Xa lộ Hà Nội. Bố trí một phần ngân sách của thành phố để đầu tư các công trình xây dựng nút giao An Phú; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đủ quy mô theo quy hoạch kết hợp xây dựng các đường song hành trên địa bàn…

Theo ông Bùi Hòa An, trước mắt, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư khép kín Vành đai 2 và các tuyến đường kết nối Vành đai 2, các dự án tại thành phố Thủ Đức, bởi hạ tầng khu vực này đã quá tải.

Nếu nguồn thu tốt và tập trung được nguồn lực đầu tư cho khu vực này, vòng quay của xe vào cảng Cát Lái sẽ được cải thiện.

Hiện, thời gian quay vòng xe trung bình chỉ hơn 1 vòng/ngày, thậm chí đến 2 ngày mới được 1 vòng. Nếu các công trình được đầu tư, một ngày các xe có thể thực hiện được 2-3 vòng quay, chi phí của doanh nghiệp cũng sẽ được kéo giảm.

Với nguồn thu dự kiến khoảng 14.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, lộ trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông quanh các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đẩy nhanh hơn.

Vì vậy, cùng với nguồn đầu tư khác của thành phố, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối khu vực cảng biển được kỳ vọng sẽ cơ bản hoàn thành theo quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.