Tại kỳ họp, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày tờ trình báo cáo về “Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh” của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Sau khi Đề án ban đầu được đưa ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến và đã nhận được 1.150 ý kiến góp ý cho đề án. Từ những ý kiến đóng góp đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉnh sửa, bổ sung để Đề án được hoàn chỉnh hơn.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã đóng góp các ý kiến xung quanh Đề án này, chủ yếu ở hai vấn đề chính: việc phân cấp của đề án, nhất là cấp cơ sở; tăng tỷ lệ cán bộ chuyên trách của Hội đồng Nhân dân thành phố trong chính quyền đô thị.
Nhất trí với nội dung cơ bản của Đề án, đại biểu Huỳnh Công Hùng cho rằng Đề án cần tiếp tục làm rõ vấn đề phân cấp, quản lý địa bàn, nhất là các khu vực giáp ranh để có cách quản lý thống nhất. Cần có cơ chế giám sát các hoạt động của các cấp chính quyền để làm sao thực hiện được ý nguyện của người dân tốt nhất. Việc tăng đội ngũ chuyên trách sẽ giúp việc giám sát tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trịnh Xuân Thiều nhấn mạnh việc quản lý địa bàn trong chính quyền đô thị là rất quan trọng và phải rõ ràng, không thể quản lý theo ranh giới như trước. Ở các huyện nông thôn, thời gian tới có thể sẽ trở thành đô thị hóa, vì vậy, Đề án cần có tầm nhìn, tính toán kỹ để tránh lạc hậu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp các ý kiến về các thuật ngữ trong Đề án; việc phối hợp trong bổ nhiệm cán bộ chuyên môn ở các phòng của thành phố trực thuộc thành phố; về tự chủ ngân sách; về tổ chức của các tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể; đánh giá những tác động tích cực và hạn chế của Đề án khi thực hiện; về vấn đề quản lý, giám sát trong tự chủ tài chính…
Chủ trì kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc thành phố tổ chức theo hai cấp là phù hợp với tình hình phát triển. Mô hình Chính quyền đô thị được đề xuất cần mang tính giai đoạn để có bước đi hợp lý.
Đề án cần quan tâm đến cơ chế, mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và đơn vị trực thuộc; tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi triển khai. Về vấn đề tăng đại biểu chuyên trách, cơ cấu lại các ban… chưa nên đề cập cụ thể.
Sau khi đóng góp ý kiến và thảo luận, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về “Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.”
Nghị quyết cũng giao Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án trình Chính phủ.
Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đối với ông Lê Minh Trí (đã chuyển sang làm Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương); đồng thời, bầu ông Lê Thanh Liêm, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh./.