Ngày 27/6, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất (Hepza) và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) tổ chức hội thảo “Thu hút đầu tư công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ vào Thành phố Hồ Chí Minh.”
Tại đây, Hepza đã ký kết thỏa thuận hợp tác với SHTP và Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý và kêu gọi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nền tảng hạ tầng để phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước, nằm tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao chuyên biệt.
Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao chưa đạt như kỳ vọng của thành phố cả về quy mô lẫn chất lượng.
Để ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý Hepza cho rằng thành phố cần có nhiều hơn nữa những khu công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao chuyên biệt trong các khu công nghiệp.
Nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, mới đây thành phố đã hình thành Khu kỹ nghệ Việt Nhật nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10/2014.
Sau khi hoàn thành, khu kỹ nghệ này sẽ thu hút luồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định Việt Nam cần tránh đầu tư dàn trải, tập trung đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên biệt về công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.
Điều này sẽ giúp các cơ quản quản lý Nhà nước thuận lợi trong công tác quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời nhanh chóng nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách kịp thời.
Các khu công nghiệp chuyên biệt sẽ tạo mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi sản xuất, thuận lợi trong quá trình học hỏi và chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hirotaka Yasuzumi, nhu cầu về các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa đối với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn.
Để nâng cao sức cạch tranh của mình, các doanh nghiệp FDI rất cần có những sản phẩm linh kiện giá rẻ, chất lượng cao do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Theo JETRO, tỷ lệ cung ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa Việt Nam là 32%, có sự tăng trưởng nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hội thảo với mục đích đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo động lực để phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh./.