TP.HCM: Trách nhiệm của chính quyền trong vấn đề bạo hành trẻ em

Ngày 6/12, tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, vấn đề bạo hành trẻ em được nhiều đại biểu quan tâm sau vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh.
TP.HCM: Trách nhiệm của chính quyền trong vấn đề bạo hành trẻ em ảnh 1Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó vấn đề bạo hành trẻ em được nhiều đại biểu quan tâm sau vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, Quận 12).

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cho rằng, lực lượng từ cấp phường xã tới thành phố, ngoài ra còn có tổ dân phố, khu phố và các mặt trận, đoàn thể nhưng không phát hiện được các vụ bạo hành trẻ em. Hầu như đều phát hiện qua kênh báo chí.

Vì vậy, cần nhìn nhận lại trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, để từ đó có giải pháp căn cơ, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề, bạo hành trẻ em xảy ra ở Mầm Xanh không phải lần đầu. Trước đây cơ sở này đã bị xử lý hình sự nhưng tại sao vẫn tái diễn; trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo như thế nào, quy trình cấp phép có thực sự chặt chẽ?

Hiện không ít bảo mẫu chỉ học vài tháng rồi đứng lớp, không được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, cần siết chặt công tác đào tạo cấp chứng chỉ giáo viên mầm non.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đánh giá, biện pháp xử lý đối với cơ sở Mầm Xanh kịp thời nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp căn cơ và lâu dài, triệt để hơn; nên đào tạo, bồi dưỡng lại cho giáo viên, bảo mẫu của các cơ sở ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ gia đình.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Nga cho rằng nhóm lớp mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình thường không đủ cơ sở vật chất và là nơi có nguy cơ cao về bạo hành.

[Chính thức kết nối tổng đài 111 tiếp nhận tố giác bạo hành trẻ em]

Tuy nhiên, tại khu vực đông công nhân lao động, họ phải chấp nhận gửi trẻ ở các cơ sở này bởi các cơ sở đạt chuẩn thường có học phí cao hơn, ít nhất cũng từ 1,5 triệu đồng/tháng trở lên, trong khi các nhóm trẻ gia đình thường từ 1-1,2 triệu đồng. Thành phố đã có những chính sách như thế nào để hỗ trợ chủ đầu tư vốn, quỹ đất, đào tạo giáo viên mầm non?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, quy định phân cấp quy trình cấp phép, kiểm tra, giám sát cơ sở Mầm mon là thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân quận huyện, giao trực tiếp cho Ủy ban Nhân dân phường, xã thực hiện đối với các nhóm lớp mầm non tư thục. Sở thường xuyên phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh nhưng vẫn còn tồn tại.

Ông Lê Hồng Sơn khẳng định, Sở đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, trong đó đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận huyện xử lý nghiêm, đóng cửa ngay các cơ sở không phép hoặc cơ sở xảy ra vụ việc như ở Mầm Xanh. Có cá nhân bạo hành trẻ em đã bị xét xử theo quy định của pháp luật.

Hiện toàn thành phố có 1.208 trường mầm non, trong đó trường công lập chiếm 38,5%, còn lại là ngoài công lập; có 14.416 nhóm lớp, trong đó ngoài công lập là 9.499 nhóm lớp. Vì vậy, chỉ có 45% trẻ mầm non học tại các cơ sở công lập, trong khi ngoài công lập chiếm 55%.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm, thành phố còn 1.845 nhóm lớp độc lập tư thục, đây là số hoạt động độc lập, thông thường dao động 8-10 trẻ hoặc 20-30 trẻ mỗi nhóm lớp, do phường xã trực tiếp quản lý. Những sự việc bạo hành thường xảy ra ở số này.

Ngoài ra, hiện có 544 hộ giữ trẻ gia đình (theo điều lệ là dưới 7 trẻ) có đăng ký nhưng số không đăng ký hoặc hoạt động không phép khá nhiều.

Liên quan cơ sở Mầm Xanh, ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 12 cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, Ủy ban Nhân dân quận đã đề nghị Phòng Giáo dục và Ủy ban Nhân dân các phường kiểm tra tất cả thông tin, cơ sở vật chất, giáo viên; công khai thông tin các nhóm lớp trên địa bàn để phụ huynh tham khảo đánh giá chất lượng.

Quận đã đề xuất thành phố cho phép yêu cầu tất cả các trường, nhóm trẻ phải gắn camera giám sát. Quận có 560.000 dân, trong đó khoảng 60% là dân nhập cư, chủ yếu là công nhân, dẫn đến nhu cầu giải quyết trường học cho trẻ rất cao.

Về đầu tư cho giáo dục mầm non, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngoài ngân sách, theo chương trình phát triển trường mầm non, thành phố chấp thuận đi vay vốn để đầu tư và dự kiến sẽ đầu tư 4.339 tỷ đồng cho 81 trường với hơn 900 phòng học.

Điều này nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về nhu cầu trường mầm non hiện nay. Cùng với đó từ chương trình kích cầu, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất khi nhà đầu tư vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục