"TPP 12-1" tìm kiếm một khuôn khổ mới để đưa TPP vào hiệu lực

Các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa nhất trí đặt mục tiêu đưa TPP vào hiệu lực theo một khuôn khổ mới, sau sự rút lui của Mỹ.
Các nhà đàm phán Nhật Bản và Canada thảo luận về TPP ở Tokyo, Nhật Bản ngày 12/7. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa nhất trí đặt mục tiêu đưa TPP vào hiệu lực theo một khuôn khổ mới, sau sự rút lui của Mỹ.

Theo trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto, TPP ban đầu được 12 nước thành viên ký nên để hiệp định này có hiệu lực khi chỉ còn 11 nước thì cần có một thỏa thuận quốc tế mới.

Các trưởng đoàn đàm phán 11 nước tham gia TPP sẽ tiếp tục nhóm họp trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/2017 tại Australia để xúc tiến các cuộc đàm phán về thực hiện thỏa thuận trước tháng 11/2017, khi lãnh đạo các nước TPP sẽ nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam.

[Đại diện 11 nước thảo luận về tương lai của TPP mà không có Mỹ]

Sau cuộc họp của Bộ trưởng Thương mại 11 nước tham gia TPP hồi tháng 5/2017 tại Hà Nội, các nhà đàm phán có nhiệm vụ xây dựng phương án để sớm đưa TPP vào hiệu lực và tạo điều kiện cho khả năng Mỹ tham gia trở lại TPP.

Tuy vậy, 11 nước tham gia TPP vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức độ điều chỉnh văn bản ban đầu và ông Umemoto cho hay các bên mới chỉ nhất trí về việc không hạ thấp các quy định thương mại tiêu chuẩn cao có trong thỏa thuận ban đầu.

Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trong 11 nước tham gia TPP, hy vọng đạt được một thỏa thuận nhằm thay đổi các quy định đề ra trước đó để đưa TPP vào hiệu lực mà không phải điều chỉnh nội dung của TPP.

Tuy vậy, một số nước có thể kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán mới về nội dung của TPP, trong đó có vấn đề thuế quan và các quy định về thương mại và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục