Theo đánh giá của một số chuyên gia, tình trạng bế tắc hiện nay của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang làm chậm lại tiến trình hội nhập kinh tế của châu Á, đồng thời đe dọa làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng của các hãng chế tạo Nhật Bản.
Các nhà sản xuất máy móc, điện tử và ôtô Nhật Bản đã "tấn công" mạnh vào thị trường châu Á trong vài thập niên trở lại đây, trước sức hấp dẫn của tầng lớp trung lưu gia tăng theo đà phát triển kinh tế tại khu vực.
Châu Á đã trở thành thị trường nước ngoài sinh lời lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy sức tăng trưởng của các doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản, giống như các doanh nghiệp toàn cầu khác, gần đây đã mất đi cơ hội tăng trưởng lớn do Mỹ rút khỏi TPP, đặt dấu chấm cho những hy vọng tạo ra một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đầu tháng Ba vừa qua, 16 thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã có cuộc gặp tại Kobe (Nhật Bản), cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, diễn đàn này, gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, đã không đạt được đột phá nào.
Giáo sư Kazushi Shimizu thuộc Đại học Kyushu cho hay nếu RCEP không thiết lập được một khuôn khổ thương mại tự do hóa cao như TPP, điều đó sẽ có tác động tiêu cực lên các nhà sản xuất Nhật Bản.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), trong tài khóa tính đến tháng 3/2015, tổng lợi nhuận ròng mà các hãng chế tạo Nhật Bản thu về từ châu Á đạt 3.150 tỷ yen (khoảng 27,7 tỷ USD), tương đương 76,7% tổng lợi nhuận ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã xây dựng chuỗi cung ứng tại châu Á và đưa khu vực này trở thành cơ sở chế tạo chủ chốt.
Theo khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), các doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhập 92,1% nguyên vật liệu và phụ tùng từ Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN.
Trong khi đó, RCEP là thỏa thuận thương mại quy mô lớn, được thiết kế nhằm mở rộng và tăng cường các cam kết giữa 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại.
RCEP sẽ mở rộng thị trường ASEAN từ 600 triệu người lên 3,5 tỷ người vì sẽ bao gồm cả 6 đối tác đối thoại của ASEAN, chiếm gần 1/2 dân số thế giới, tạo ra nền tảng thị trường hội nhập lớn./.