TPP sẽ tạo cơ hội xuất hiện những cuộc đình công hợp pháp?

Các tổ chức đại điện của người lao động thành lập sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ thay đổi tình trạng hàng nghìn cuộc đình công diễn ra nhưng không có cuộc đình công nào là hợp pháp.
TPP sẽ tạo cơ hội xuất hiện những cuộc đình công hợp pháp? ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn về lợi ích trong quan hệ lao động nhưng công đoàn chưa thực sự làm tốt được trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Việc tham gia TPP đòi hỏi thay đổi các quy định pháp luật sẽ là cơ hội để tổ chức công đoàn thay đổi phương thức hoạt động từ chủ yếu là chăm lo đời sống là chủ yếu sang đấu tranh vì quyền lợi của người lao động.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.

Trong lịch sử của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong suốt thời kỳ phát triển của đất nước mà doanh nghiệp nhà nước là thành phần kinh tế chính thì công đoàn là tổ chức chính trị xã hội cùng với nhà nước, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chăm lo cho đời sống lao động. Các hoạt động chăm lo cho đời sống người lao động là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho đến nay.

Tuy nhiên, khi Việt Nam đang dần trở thành một nền kinh tế thị trường, quan hệ lao động đã thay đổi thì vai trò của công đoàn cũng phải thay đổi. Để có một mối quan hệ lao động hài hòa, tổ chức đại diện của người lao động không chỉ chăm lo cho đời sống của người lao động, mà phải đấu tranh cho quyền lợi của người lao động.

Các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo TPP đặt ra nhiều kỳ vọng và thách thức. Một trong những kỳ vọng được nhắc đến nhiều là giúp việc đấu tranh cho quyền lợi người lao động tốt hơn, tác động đến đình công và giải quyết đình công ở Việt Nam. Các tổ chức đại điện của người lao động được kỳ vọng sẽ thay đổi tình trạng hàng nghìn cuộc đình công diễn ra nhưng không có cuộc đình công nào là hợp pháp.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Quang Thọ (Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn) dự báo, sau khi thực hiện TPP, số lượng các cuộc đình công ở một số nghề, lĩnh vực có thể tăng nhưng không nhiều và có thể xuất hiện một số cuộc đình công hợp pháp. Tuy nhiên, việc có một số ít cuộc đình công được thực hiện đúng tuần tự của pháp luật còn phụ thuộc vào việc sửa đổi pháp luật Việt Nam sắp tới đề phù hợp với TPP.

Ông Vũ Quang Thọ cũng cho rằng, trường hợp người lao động bị lôi kéo, lợi dụng, kích động để tổ chức đình công vì mục đích chính trị, bạo loạn sẽ rất khó xảy ra vì các yêu sách mà người lao động hầu hết là liên quan đến tiền lương, thu nhập, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thêm giờ…

Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ tưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho ​biết việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động sẽ có tác động tích cực khi quan hệ lao động có cơ hội để phát triển ổn định, hài hòa hơn do các cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể ở các cấp thực chất hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình cũng cảnh báo, nếu quy định pháp luật không rõ ràng và không thực thi nghiêm túc thì những tổ chức công đoàn “ngoài vòng kiểm soát” có thể làm gia tăng bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và trật tự xã hội.

Thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động tác động tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các chuyên gia cho rằng cần phải ban hành quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ và thực thi thật tốt các quy định. Nếu thực hiện tốt, bên cạnh tổ chức Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội duy nhất, sẽ có thêm những tổ chức chức công đoàn chỉ có chức năng đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động./.

Cam kết TPP liên quan đến tổ chức đại diện người lao động chính là những tiêu chuẩn về quyền tự do liên kết và ​thương lượng tập thể của người lao động theo công ước số 87 và 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, người lao động được tự do gia nhập tổ chức công đoàn theo lựa chọn của mình (không nhất thiết phải gia nhập hệ thống công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam như hiện nay).

Với cam kết này, Việt Nam sẽ xây dựng luật cho phép người lao động tại một doanh nghiệp được thành lập tổ chức đại diện của mình. Tổ chức này phải thành lập theo quy định của pháp luật và có thể chọn gia nhập hệ thốn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với có quan nhà nước có thẩm quyền để hoạt động độc lập.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục