Trả lương hưu qua bưu điện: Tạo niềm vui từ những việc làm nhỏ

Sự nhiệt tình, phong cách phục vụ của ngành bưu điện giúp nhiều người dân cảm thấy thoải mái trong việc đi lấy lương hưu mỗi tháng
Trả lương hưu qua bưu điện: Tạo niềm vui từ những việc làm nhỏ ảnh 1Thay vì đợi cả buổi như mọi khi, người dân phường Mỹ Đình 2 chỉ mất khoảng 30 phút chờ đợi để lấy lương. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Cầm tiền hưu trí trên tay, ông Lê Nghĩa Thức ở phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phấn khởi bảo rằng, từ khi ngành bưu điện trả lương hưu, ông không còn phải chờ cả buổi để lĩnh lương như trước.

Cũng như ông Thức, nhiều người kể rằng, phong cách phục vụ trong chi trả lương hưu của ngành bưu điện khiến họ hài lòng, từ những câu chuyện nhỏ.

Hết cảnh xếp sổ cả buổi chờ tới lượt

Một sáng đầu tháng Mười Hai, Hội trường Ủy ban Nhân dân phường Mỹ Đình 2 nhộn nhịp bởi những tiếng trò chuyện của những mái đầu đã bạc. Phía trên, ba nhân viên bưu điện, mỗi người một khâu nghiệp vụ (nhận phiếu lĩnh lương hưu và ký danh sách; dùng phần mềm đối chiếu dữ liệu đảm bảo chi trả đúng người, đúng số tiền; phát tiền) với máy tính xách tay, hòm tiền đon đả phát lương hưu cho các cụ hưu trí.

Trả lương hưu qua bưu điện: Tạo niềm vui từ những việc làm nhỏ ảnh 2Việc chi trả lương hưu qua bưu điện có sự "trợ sức" của công nghệ thông tin. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Sau khi giải thích cho một người đặt câu hỏi, thấy cụ hơi nặng tai, cô nhân viên nhổm người, nhẹ nhàng ghé sát tai giải thích…

Cầm cuốn sổ và tiền hưu, ông Lê Nghĩa Thức bảo rằng mình đã lĩnh lương được 14 năm. Ngần ấy thời gian lĩnh lương, đã không ít lần ông phải chờ đợi mất cả buổi. Thậm chí trước đây, có nhiều lần tranh thủ đi tập thể dục, ông tới xếp sổ hưu rồi khi tập xong, quay lại vẫn phải đợi 1-2 tiếng mới tới lượt.

Từ khi ngành bưu điện vào cuộc [tại Nam Từ Liêm vào tháng 11/2015-pv], ông Thức cũng như nhiều người thấy nhân viên ngành này tới sớm, nhiệt tình, chuẩn bị điểm phát lương chu đáo, sạch sẽ. Đặc biệt, việc sắp xếp phát lương cho các cụ hưu trí cũng khoa học hơn, việc lĩnh lương sẽ được thông báo thời gian theo tổ dân phố.

“Bây giờ cứ đến giờ phát thì tôi tới lĩnh lương. Thông thường chỉ phải đợi khoảng 30 phút, còn lúc tới lượt thì chỉ vài phút là xong,” ông Thức cười nói.

Tại phường Phú Đô, bà Hoàng Thị Kim Thanh đi lĩnh lương hưu giúp chồng kể, thời gian trước ở quê bà cũng ra bưu điện lĩnh lương hưu và thấy rằng hình thức này rất hợp lý khi có lịch nhận tiền cụ thể cũng như loa phường thông báo nhắc nhở để không quên lịch.

Một người khác thì cho hay, quy trình trả lương hưu hiện tại khá tiện lợi. Trước đây, ở tổ dân phố có một người đứng ra lĩnh lương về chi trả, nhưng có trừ một chút chi phí cho công đi lại. Giờ thì đi ra nhà văn hóa lĩnh lương cũng vui bởi được nói chuyện với nhiều người cả tháng mới gặp một lần…

Trả lương hưu qua bưu điện: Tạo niềm vui từ những việc làm nhỏ ảnh 3Nhiều người dân tỏ ra hài lòng với cách trả lương hưu qua ngành bưu điện. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Bên cạnh đó, việc nhân viên bưu điện cởi mở, thông thoáng, chỗ ngồi đàng hoàng khiến cho họ có cảm giác thích đi lĩnh lương hưu chứ không phải đến lấy xong rồi về.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Khánh (phường Mỹ Đình 2) thì hào hứng kể rằng, những sự chu đáo dù nhỏ nhất của người phát lương cũng làm cho những người già như ông thấy vui. Lấy ví dụ, ông kể rằng khi phát lương, ngành bưu điện bao giờ cũng làm tròn những con số lẻ theo hướng tăng lên. Ví dụ, lẻ từ 100 đồng tới 400 đồng sẽ được làm tròn thành mệnh giá 500 đồng. Lẻ từ 600 đồng tới 900 đồng sẽ được làm tròn thành 1.000 đồng để phát cho người nhận.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Xuân Mai, Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội cho hay, hiện Hà Nội có 25 quận, huyện chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua bưu điện với tổng số tiền chi trả là 1.119,5 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, Bưu điện Hà Nội phải bù tiền lẻ khoảng 80 triệu đồng.

Dùng công nghệ chi trả lương hưu

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho hay, hiện công tác chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Tổng số điểm chi trả được ngành bưu điện thực hiện là 14.426 điểm, số người hưởng là 2,9 triệu người, số tiền chi trả là 8.000 tỷ đồng/tháng (62 địa phương thực hiện tại tất cả các xã, phường, Hà Nội còn 5 quận, huyện dự kiến triển khai vào quý 1/2017).

 (Nguồn: Bưu điện thành phố Hà Nội)


“Bưu điện các địa phương đã thực hiện chi trả miễn phí tại nhà đối với nhiều trường hợp người hưởng già yếu, người có công, chi trả tại bệnh viện đối với nhiều trường hợp ốm đau, nằm viện không đi lại được, tạo điều kiện để người hưởng chế độ kịp thời nhận được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước,” ông Tuấn nhấn mạnh.

Để hiện đại hóa quy trình trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ngành bưu điện đã ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, toàn bộ số liệu tại các điểm chi trả được cập nhật vào phần mềm hàng ngày.

Bên cạnh đó, để tạo sự nhanh gọn cho người nhận, ngành bưu điện đã sử dụng phần mềm hỗ trợ tìm kiếm người hưởng bằng mã vạch, nhận dạng người hưởng và người được ủy quyền qua ảnh; lưu trữ thông tin và lịch sử nhận tiền của người hưởng. Việc ứng dụng công nghệ cũng giúp cơ quan quản lý có thể xem kết quả, thống kê số liệu chi trả trên hệ thống để có các giải pháp kịp thời.

Lấy ví dụ như ở phần mềm nhận dạng, khi chi trả, nhân viên bưu điện căn cứ vào số sổ bảo hiểm xã hội và ảnh của đối tượng nhận lương hưu trên phần mềm để thực hiện việc chi trả đúng đối tượng và đúng số tiền. Bên cạnh đó, phần mềm cũng theo dõi lịch sử chi trả, giúp nhân viên bưu điện thực hiện các thủ tục nhanh chóng và đạt độ chính xác cao.

Cam kết tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, lãnh đạo ngành bưu điện cũng khẳng định đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các phương tiện thanh toán hiện đại vào công tác chi trả và quản lý, giúp người dân thêm nhiều thuận lợi khi sử dụng dịch vụ của ngành./.

Người dân thoải mái khi tới lấy lương hưu do ngành bưu điện phục vụ. (Nguồn: VNews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục