Trà Vinh hỗ trợ liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho lúa gạo

Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh liên kết với dự án SME Trà Vinh hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi sản xuất lúa từ giống, gieo trồng, canh tác, quản lý chất lượng, thu hoạch, đến đưa sản phẩm ra thị trường.
Trà Vinh hỗ trợ liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho lúa gạo ảnh 1Nông dân Trà Vinh làm việc trên cánh đồng lúa. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với Ban quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) triển khai các hoạt động hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để nâng cao chuỗi giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo.

Ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị cùng với Dự án SME Trà Vinh tập trung hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất từ giống, gieo trồng, quy trình canh tác, quản lý chất lượng, thu hoạch, đến đưa sản phẩm lúa gạo ra thị trường.

Hoạt động hỗ trợ còn giúp các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng thương hiệu, bộ nhận dạng thương hiệu, xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiến tới ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

Việc kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh là một trong những hoạt động hỗ trợ giúp nông dân nâng cao thu nhập nên được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Ông Trầm Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú cho biết, hợp tác xã được tỉnh hỗ trợ gia tăng hiệu quả kinh tế cho ngành hàng lúa gạo.

Việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao từ giống, gieo trồng, quy trình canh tác, quản lý chất lượng, thu hoạch, hợp tác xã và nông dân giảm chi phí sản xuất từ 5-10%.

Sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong Top 4 gạo ngon Thương hiệu Việt tại festival lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.

[Khởi động dự án cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Hồng]

Hợp tác xã liên kết vùng nguyên liệu với nông dân trong và ngoài xã Long Hiệp đảm bảo đủ sản phẩm gạo ngon phân phối cho các đại lý trong và ngoài tỉnh từ 4-5 tấn/tháng.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 17 nhãn hiệu lúa gạo cho một số hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong tỉnh.

Nhiều địa phương cũng đã liên kết được với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao xuất khẩu.

Tại huyện Châu Thành liên kết với 3 doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ tại xã Long Hòa và Hòa Minh, với 115 hộ nông dân, tổng diện tích 95ha, giá lúa tươi ST.24 được bao tiêu 10.200 đồng/kg.

Huyện Cầu Ngang liên kết với công ty Đại Dương Xanh và Công ty Viosa trồng lúa hữu cơ diện tích 90 ha/100 hộ tại xã Hiệp Hòa, Mỹ Hòa và Vinh Kim.

Ở huyện Tiểu Cần hỗ trợ cho các hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vi sinh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Quốc tế Âu Lạc, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt, với diện tích liên kết 1.020ha…

Trong chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch đến năm 2025 vùng trồng lúa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế 1.000ha và phấn đấu đến năm 2030 đạt 2.500ha, tập trung phát triển trên địa bàn huyện Châu Thành và Cầu Ngang.

Đối với sản xuất lúa sạch hiện toàn tỉnh đã có khoảng 5.000ha và phấn đấu đến năm 2030 là 20.000ha, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long và Cầu Kè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.