Trước tình trạng chất lượng con tôm giống chưa được kiểm soát tốt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh gấp rút triển khai chương trình quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung đến năm 2020.
Theo đó, năm 2015 Trà Vinh sẽ sản xuất hơn 2,6 tỷ con giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, đáp ứng 53,1% nhu cầu thả nuôi. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ sản xuất con giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt 96,4% nhu cầu thả nuôi của tỉnh.
Để thực hiện được chương trình nói trên, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống thủy sản, như cho thuê đất với giá thấp, vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, ưu tiên cung cấp đàn giống bố mẹ sạch bệnh, ưu đãi chi phí kiểm tra, kiểm dịch, tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật…
Hiện nay, Trung tâm giống thủy sản Trà Vinh đang phối hợp với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện Đề tài sản xuất giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh. Sau khi thử nghiệm thành công, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh nếu có nhu cầu.
Trước mắt, Trung tâm sẽ liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận (tỉnh Bình Thuận) đề thuần dưỡng tôm thẻ chân trắng, đảm bảo đủ tôm giống chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi tôm ở những vùng có độ mặn khác nhau trong tỉnh.
Về lâu dài, khi Trung tâm sản xuất giống thủy-hải sản Nhà Mát nằm trên địa bàn xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải xây dựng hoàn thành sẽ liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân để sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cho người nuôi tôm trong tỉnh.
Ông Lê Tân Thới, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh có 98 cơ sở tôm giống nhưng chỉ sản xuất giống tôm sú, đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu thả nuôi, còn tôm thẻ chân trắng phải nhập từ các tỉnh khác với giá khá cao do chi phí vận chuyển, hao hụt…
Trong khi đó, chất lượng con tôm thẻ chân trắng giống lại rất khó kiểm soát. Nhiều cơ sở, thương lái nhập nguồn tôm giống ngoài tỉnh luôn tìm mọi cách né tránh sự kiểm soát của Trạm kiểm dịch động vật thủy sản. Số lượng tôm thẻ chân trắng thả nuôi được kiểm dịch chỉ chiếm khoảng 34%.
Nhiều hộ nuôi tôm này thả giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Đây là nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng, gây thiệt hại cho người nuôi.
Từ đầu năm 2014 đến nay, các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục bị thiệt hại. Trong số hơn 8.000 hộ thả nuôi hơn 1,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên diện tích gần 4.000 ha, có hơn 1.600 hộ bị thiệt hại khoảng 320 triệu con giống, chiếm hơn 20% số lượng tôm thẻ chân trắng thả nuôi.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, nguyên nhân tôm thẻ chân trắng chết phần lớn là do chất lượng con giống kém./.