Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy sản xuất bền vững

“Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, một tiêu chuẩn mang tính quốc tế, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững cho Việt Nam.”
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy sản xuất bền vững ảnh 1Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, một tiêu chuẩn mang tính quốc tế, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững cho Việt Nam.”

Đó là thông điệp mà ông Patrick Gilabert, Trưởng Đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam muốn nhấn mạnh tại Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với Chủ đề niềm tin người tiêu dùng khai mạc ngày 17/9 tại Hà Nội.

Diễn đàn thuộc chuỗi hoạt động của Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tại Diễn đàn, các diễn giả trong nước và quốc tế đã trao đổi các kinh nghiệm trong việc chiếm được niềm tin, giữ được chữ tín với người tiêu dùng. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp trả lời các câu hỏi “muôn thủa”: Làm thế nào để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ nội địa hơn nữa; doanh nghiệp phải làm sao để tồn tại, phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt; làm thế nào tạo dựng được thị trường trong đó người tiêu dùng tin tưởng nhà sản xuất và nhà sản xuất, phân phối cũng có uy tín với người tiêu dùng…

Theo Bà Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững là mối quan tâm mang tính toàn cầu. Cụ thể, sản xuất bền vững là việc khai thác các nguồn tài nguyên một cách kinh tế và hiệu quả hơn, giảm lượng chất thải và bảo vệ môi trường. Tiêu dùng bền vững là tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu một cách hiệu quả đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội và kinh tế.

“Sản xuất và tiêu dùng bền vững cung cấp chìa khóa cho phép các cộng đồng và cá nhân phát triển mà không cần thiết phải hy sinh chất lượng cuộc sống đồng thời không gây nguy hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai,” bà Lan nhấn mạnh.

Để dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh Giám đốc Văn phòng-Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI), đại diện Mạng lưới toàn cầu tại Việt Nam đưa ra “10 nguyên tắc của Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC) trong các lĩnh vực nhân quyền, lao động, môi trường, chống tham nhũng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cam kết mang lại lợi ích không chỉ cho cổ đông mà còn cho xã hội và Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc là sáng kiến dành cho các doanh nghiệp cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.”

Tại diễn đàn, ông Patrick Gilabert, Trưởng Đại diện UNIDO tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay UNIDO vẫn đang hỗ trợ Việt Nam tại các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Cụ thể như một số chương trình như dự án hợp tác với Bộ Công thương và SECO về năng lực đo lường, an toàn thực phẩm và hệ thống tìm kiếm nguồn gốc thực phẩm; với Bộ Y tế và WHO về khuyến khích sản xuất dược phẩm nội địa; và với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng về các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam...”./.

Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững là sáng kiến của Văn phòng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và được tài trợ bởi Quỹ Một kế hoạch (OPF).

Diễn đàn “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” với chủ đề niềm tin người tiêu dùng được thực hiện bởi Dự án phối hợp với Tổng Cục Môi trường Việt Nam và Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.