Trang brookings.edu mới đây đăng bài viết của Joseph Atta-Mensah, Trưởng Cố vấn chính sách, Ban Kinh tế vĩ mô và quản trị thuộc Ủy ban Kinh tế châu Phi Liên hợp quốc (UNECA) về vai trò của trái phiếu liên kết với hàng hóa trong đảm bảo nguồn tài chính khu vực châu Phi.
Theo bài viết, châu Phi cần khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Những nhu cầu này bao gồm khoảng 93-170 tỷ USD mỗi năm đầu tư vào việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng phù hợp.
Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù đã nỗ lực cải thiện việc huy động nguồn thu nội địa song châu Phi vẫn phải đối mặt với một khoảng trống lớn về tài chính để hỗ trợ các chương trình nghị sự phát triển. Hơn nữa, sự tàn phá do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật hơn bao giờ hết nhu cầu về một cơ chế tài chính tích hợp, có thể dự đoán được, bền vững và đầy đủ để tái thiết tốt hơn nền kinh tế châu lục này.
Các công cụ nợ dự phòng của nhà nước (SCDI)
Khu vực châu Phi không có không gian tài chính do nợ của các quốc gia đã tăng lên mức không bền vững sau đại dịch, các quốc gia phải vay nhiều hơn để phòng chống COVID-19.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nên cơ cấu lại nợ của nước mình. Tuy nhiên, do sự không chắc chắn và chi phí kinh tế liên quan đến việc tái cơ cấu nợ, các nước châu Phi cần phải tìm kiếm các chiến lược huy động nguồn lực thay thế.
Hầu hết các nước châu Phi - xuất phát từ thực tế là những quốc gia xuất khẩu hàng hóa thô và có năng lực hạn chế để giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả khi giá hàng hóa giảm mạnh và lãi suất tăng cao - dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro tài chính lớn liên quan đến rủi ro giá hàng hóa.
Những điều kiện này khiến các quốc gia gánh các khoản nợ lớn phải đối mặt với những thách thức về tình trạng mắc nợ gia tăng và khó khăn trong việc trả nợ. Những khó khăn này cũng dẫn đến việc cán cân thanh toán của các quốc gia xấu đi khi doanh thu xuất khẩu giảm và kéo theo đó là đồng nội tệ bị mất giá.
Trong bối cảnh đó, các hình thức tài trợ đã có trên thị trường tài chính và có thể mang lại tiềm năng quản lý rủi ro cho các nước châu Phi là các công cụ nợ dự phòng của nhà nước (SCDI). Những công cụ này được kỳ vọng có thể tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu nợ nhanh hơn và ít tốn kém hơn, bởi việc thanh toán các hợp đồng nợ được cơ cấu lại có thể được liên kết với các kết quả trong tương lai.
Vai trò của trái phiếu liên kết hàng hóa
SCDI là các công cụ nợ theo hợp đồng, trong đó các khoản thanh toán được liên kết với một biến trạng thái được xác định trước như GDP, xuất khẩu hoặc giá hàng hóa.
Trong đó, trái phiếu liên kết hàng hóa (CLB), một công cụ tài chính có lợi tức được liên kết với giá của một hoặc nhiều hàng hóa cơ bản, là một phương tiện quan trọng mà châu Phi có thể sử dụng để huy động các nguồn lực phát triển, bởi lục địa này có các mỏ khoáng sản khổng lồ.
[Ngân hàng Thế giới đầu tư 2 tỷ USD hỗ trợ phục hồi kinh tế châu Phi]
Việc phát hành các CLB có một số tác động kinh tế tích cực đối với châu Phi. Trước tiên, các CLB có khả năng ổn định nợ của một quốc gia. Tỷ lệ nợ/GDP của một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hai cú sốc cơ bản, một là cú sốc chi tiêu của chính phủ, xuất phát từ cú sốc đối với cán cân chính thu-chi và thanh toán lãi suất và hai là các cú sốc tăng trưởng, đến từ tốc độ tăng trưởng GDP.
Do các trái phiếu liên kết hàng hóa có thể bù đắp cho các chủ nợ bằng mức lợi tức thay đổi theo giá trị danh nghĩa của hàng hóa của quốc gia đi vay và bằng cách mở rộng GDP danh nghĩa, hình thức trái phiếu này có thể giảm thiểu rủi ro mà một nước phải đối mặt từ các cú sốc tăng trưởng.
Do đó, trái phiếu liên kết hàng hóa cung cấp một hình thức bảo hiểm suy thoái cho quốc gia phát hành và giảm rủi ro từ thực tế các cú sốc tăng trưởng sẽ đẩy một quốc gia vào tình trạng vỡ nợ.
Thứ hai, trái phiếu liên kết hàng hóa, so với nợ thông thường, có thể giúp một quốc gia tăng khả năng duy trì mức nợ cao hơn mà không chịu áp lực thị trường. Điều này là do xác suất vỡ nợ của một quốc gia tăng lên cùng với sự gia tăng mức nợ hoặc nhu cầu tái cơ cấu nợ và do đó lợi suất mà các chủ nợ yêu cầu để nắm giữ khoản nợ có chủ quyền tăng lên.
Quy mô của chênh lệch tín dụng này sẽ phụ thuộc vào quy mô của các cú sốc tiềm ẩn đối với tỷ lệ nợ/GDP. Nói cách khác, mức chênh lệch sẽ phụ thuộc vào xác suất mà cú sốc có thể đẩy đất nước vào tình trạng vỡ nợ.
Hơn nữa, tỷ lệ nợ/GDP ít biến động hơn đối với các quốc gia có trái phiếu liên kết hàng hóa so với nợ thông thường. Do đó, ở bất kỳ mức nợ nhất định nào, xác suất một quốc gia vi phạm giới hạn nợ đối với trái phiếu liên kết hàng hóa thấp hơn so với trái phiếu thông thường, nghĩa là mức chênh lệch tín dụng thấp hơn ở bất kỳ mức nợ nhất định nào. Do đó, trái phiếu liên kết hàng hóa có tác dụng nâng trần nợ và cung cấp không gian tài khóa cho các nhà hoạch định chính sách.
Thứ ba, các nước châu Phi có thể, thông qua việc phát hành trái phiếu liên quan đến mặt hàng xuất khẩu chủ yếu để phòng ngừa trước những biến động trong thu nhập xuất khẩu. Đáng chú ý, các cuộc khủng hoảng nợ mà các nước châu Phi phải đối mặt trong quá khứ là do doanh thu xuất khẩu giảm cùng sự gia tăng đồng thời của lãi suất thế giới và các khoản thanh toán dịch vụ nợ. Nếu khoản nợ của các quốc gia châu Phi được phát hành dưới hình thức trái phiếu liên kết hàng hóa, các khoản thanh toán dịch vụ nợ của họ sẽ giảm cùng với giá xuất khẩu (hoặc doanh thu xuất khẩu), do đó làm giảm tải nợ.
Thứ tư, bằng cách phát hành trái phiếu liên kết hàng hóa, các chính phủ châu Phi cần quỹ đầu tư có thể chia sẻ giá trị thị trường đang tăng cao của hàng hóa cơ bản với các trái chủ để đổi lại lãi suất phiếu giảm giá thấp hơn. CLB tạo cơ hội để các nhà phát hành sản xuất hàng hóa châu Phi và các tổ chức hàng hóa quốc tế vay với lãi suất thấp hơn thị trường. Thông qua quá trình này, các quốc gia có thể đặt mình vào một vị trí thuận lợi bằng cách liên kết với các thị trường quốc tế, chẳng hạn như thị trường hàng hóa Mỹ và thị trường châu Âu.
Tóm lại, việc phát hành trái phiếu liên kết hàng hóa sẽ tạo cơ hội để các nước châu Phi sản xuất hàng hóa gắn nhu cầu vay của họ với một nguồn tài nguyên ưu đãi. Bằng cách phát hành trái phiếu cho mặt hàng xuất khẩu chính, các nước châu Phi có thể phòng ngừa trước những biến động trong thu nhập xuất khẩu và đồng thời giảm xác suất vỡ nợ đối với nghĩa vụ nợ nước ngoài./.