Tràn lan thuốc lá điện tử: Bộ trưởng Bộ Công thương nêu giải pháp xử lý

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần xem xét đưa vào chương trình giảng dạy về tác hại của thuốc lá điện tử cũng như sớm ban hành các chính sách quản lý chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trước nỗi lo của đại biểu Quốc hội về tình trạng thuốc lá điện tử thế hệ mới đang tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sản phẩm này chưa được định nghĩa cụ thể trong luật nên hiện đang tồn tại “khoảng trống pháp lý” trong công tác quản lý Nhà nước.

Do vậy, người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng cần sớm ban hành các chính sách quản lý chặt chẽ đồng thời xem xét đưa vào chương trình giảng dạy tại nhà trường về tác hại của thuốc lá điện tử.

Đang tồn tại “khoảng trống” pháp lý

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương diễn ra trong chiều 4/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hôi khoá XV, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) nêu thực trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được thừa nhận ở Việt Nam nhưng lại được bán tràn lan trên thị trường, nhất là qua môi trường không gian mạng.

Đáng chú ý, theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, thực trạng trên đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe đến người dân, đặc biệt là giới trẻ.

“Có thể khẳng định các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường hiện nay là hàng nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ,” đại biểu Trần Thị Thanh Lam nói và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công thương trong quản lý thị trường cũng như cam kết của vị tư lệnh ngành công thương liên quan đến vấn đề quản lý thuốc lá điện tử thế hệ mới.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được điều chỉnh bởi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chưa được định nghĩa cụ thể trong luật hiện hành.

“Do vậy, thời gian vừa qua đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm này,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách quản lý chặt chẽ; có cơ chế quản lý rõ ràng đối với thuốc lá điện tử cũng như khắc phục “khoảng trống” về pháp lý trong lĩnh vực này, từ đó tạo cơ sở để các ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có căn cứ pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý thời gian tới, các cấp ủy chính quyền địa phương cần dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp chặt chẽ các lực lượng như Ban chỉ đạo 389, lực lượng hải quan, biên phòng, chính quyền các địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 47 năm 2024 để quản lý tốt thuốc lá điện tử đang lan tràn trên thị trường.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt đối với đối tượng yếu thế, trẻ em, học sinh; xem xét đưa vào chương trình giảng dạy tại nhà trường về tác hại của thuốc lá điện tử, những quy định cấm của pháp luật, các chế tài xử lý.

“Đặc biệt là cần huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội như đoàn thanh niên, đội thiếu niên, gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền giáo dục về tác hại của thuốc lá; đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước trên địa bàn,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

Trao đổi thêm với Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần phải có chế tài xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

thuoc la dien tu.PNG
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lưu ý việc kiểm tra hàng hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ những giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Yên) cũng đề nghị Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý Thị trường nhận định và xử lý hoạt động kinh doanh “tự do” trên môi trường thương mại điện tử. Lý do, theo đại biểu này là bởi doanh thu từ việc livestream bán hàng trên mạng 1 ngày có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Với những hình thức thương mại điện tử như vậy thì làm sao để quản lý về chất lượng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng,” đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn.

Trả lời ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ và đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính.

“Giải pháp tốt nhất là bộ sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới cần phải tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; đảm bảo hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét, xử lý xung đột về lợi ích ban đầu xảy ra trong các trường hợp livestream bán hàng.

“Đối với các trường hợp có căn cứ là vi phạm, Bộ Công thương sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển hồ sơ tới các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức và tránh được những hiện tượng này,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.