Trong khi mô hình trồng rau thủy canh đang rơi vào tình trạng bão hòa, gặp khó khăn về đầu ra, nhà nông Tô Quang Dũng, chủ trang trại Trường Phúc, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đã chuyển hướng kinh doanh, xuất khẩu rau thủy canh sang Hàn Quốc với mức giá ổn định từ 50.000-55.000 đồng/kg.
Sản lượng rau thủy canh (chủ yếu là xà lách các loại) của trang trại Trường Phúc xuất khẩu sang Hàn vào khoảng 60 tấn/năm, chiếm 20% sản lượng rau tiêu thụ của trang trại.
Để ký kết chính thức hợp đồng sản xuất và tiêu thụ các loại xà lách cao cấp, phía Hàn Quốc đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật qua khảo sát trang trại Trường Phúc lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu rau đưa về các trung tâm khoa học của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc để phân tích các tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Sau khi có kết quả an toàn, phía trang trại mới tiến hành quy trình xuống giống cho đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói có sự giám sát thường xuyên của phía đối tác Hàn Quốc…
[Nhu cầu mặt hàng đặc sản Đà Lạt tăng cao do nguồn cung khan hiếm]
Ngoài ra, trang trại cũng phải đầu tư hệ thống máy lạnh công nghệ mới, nhằm rút ngắn thời gian sơ chế trong kho lạnh từ 20 giờ xuống còn khoảng 2 giờ đồng hồ nhằm đảm bảo chất lượng rau luôn tươi ngon.
Theo ông Tô Quang Dũng, ông tìm hiểu thông tin mùa Đông trên xứ Hàn thường kéo dài từ tháng Một đến tháng Ba, thời tiết lạnh giá nên nhiều vùng nông nghiệp gặp bất lợi trong sản xuất rau xanh.
Trong khi đó, thời điểm này ở Đà Lạt và các vùng phụ cận có thời tiết dịu mát, rất thuận lợi cho sản xuất rau nên ông đã tìm cách kết nối với đối tác để xuất khẩu rau sang Hàn Quốc.
Ngoài thị trường Hàn Quốc, một số đối tác từ Singapore, Nhật Bản cũng đã tiếp xúc, đặt vấn đề thu mua các loại xà lách thủy canh của trang trại Trường Phúc, dự kiến nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Theo thống kê, tại thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận hiện có khoảng 20ha rau thủy canh các loại. Tuy nhiên, hơn một năm qua, thị trường tiêu thụ rau thủy canh gặp nhiều khó khăn do giá thành sản xuất tăng cao khiến giá bán buộc phải nâng lên, rất kén người tiêu dùng./.