Tranh cãi về tương lai của 3 triệu công dân EU tại Anh

Tương lai của khoảng 3 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) hiện sống và làm việc tại Anh trở thành vấn đề được quan tâm sau khi người dân Anh lựa chọn quyết định rời khỏi liên minh này.
Tranh cãi về tương lai của 3 triệu công dân EU tại Anh ảnh 1Trung tâm tài chính London. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Theo phóng viên TTXVN tại London, tương lai của khoảng 3 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) hiện sống và làm việc tại Anh trở thành vấn đề được quan tâm sau khi người dân Anh lựa chọn quyết định rời khỏi liên minh này (còn gọi là Brexit).

Đây cũng là một trong những vấn đề dù muốn hay không các ứng cử viên đang chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng Anh sắp tới phải đề cập đến trong kế hoạch hành động của mình cho một nước Anh nằm ngoài EU.

Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 4/7 về kế hoạch tranh cử của mình, một trong các ứng cử viên thủ tướng là Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom nêu rõ các công dân EU sẽ không phải là "một lợi điểm để mặc cả" trong các cuộc thương lượng.

Bà Leadsom nhấn mạnh "kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải được tôn trọng, nước Anh sẽ rời EU, tự do di chuyển sẽ chấm dứt và Quốc hội Anh sẽ quyết định tiếp nhận bao nhiêu người."

Tuy nhiên, bà cam kết sẽ cho phép các công dân EU đã và đang sinh sống, làm việc tại Anh ở lại vô thời hạn.

Là nhà vận động Brexit tích cực, bà Leadsom cũng hy vọng rằng tiến trình Brexit sẽ được bắt đầu trong tháng 9 tới (khi Anh có thủ tướng mới) và nước Anh sẽ rời khỏi EU vào mùa Xuân 2017.

Từ một chính khách ít được biết đến, bà Leadsom đang nổi lên như một trong những ứng cử viên sáng giá bên cạnh Bộ trưởng Nội vụ Theresa May trong cuộc đua vào ngôi nhà số 10 phố Downing, sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức vì không giữ được nước Anh ở lại EU.

Trong số những người ủng hộ bà Leadsom có cựu Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Iain Duncan Smith, cựu Bộ trưởng Môi trường Owen Paterson và nhà tài trợ đảng Độc lập Anh (UKIP) Arron Banks.

Trong khi đó, ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng Anh, bà Theresa May lại tỏ ra thận trọng khi nói về vấn đề này khi xác nhận tương lai của các công dân EU tại Anh là một phần trong các cuộc thương lượng về Brexit.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ITV ngày 3/7, bà May nói: "Chúng ta vẫn là một thành viên EU và hiện vị thế của họ không có gì thay đổi. Nhưng dĩ nhiên trong quá trình thương lượng chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi về những người đến từ các nước EU hiện đang ở Anh. Tôi muốn chắc chắn rằng chúng ta không chỉ đảm bảo vị thế của những người này mà cả những công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên EU khác."

Giới quan sát bình luận rằng sự thận trọng của Bộ trưởng Nội vụ May, người có khả năng trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Anh quốc sau cố Thủ tướng Margaret Thatcher , đã làm dấy lên sự đồng thuận liên đảng hiếm có.

Bằng chứng là một bức thư ngỏ gửi tới nhật báo "Telegraph" (Điện tín) ngày 4/7 kêu gọi tất cả các chính khách cam kết bảo vệ vị thế cho các công dân EU tại Anh có chữ ký của cả các nhà vận động Brexit hàng đầu lẫn những người ủng hộ Anh ở lại EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.