Tranh luận gay gắt xung quanh quy định về điều kiện kinh doanh

Có khá nhiều ý kiến tranh luận bức xúc từ phía hiệp hội doanh nghiệp và ngay cả từ cơ quan quản lý, xung quanh các quy định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Ngày 17/10, tại buổi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các Bộ Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, khá nhiều ý kiến tranh luận bức xúc từ phía hiệp hội doanh nghiệp và ngay cả từ cơ quan quản lý, xung quanh các quy định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.

Buổi làm việc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.

Không đủ cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm

Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho thấy trước đây, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu về Việt Nam phải được kiểm tra chuyên ngành, điều này gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã xây dựng Nghị định 15/2018/NĐ-CP cải cách theo nguyên tắc chuyển tối đa từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro; đồng thời cải cách hành chính triệt để, thay vì doanh nghiệp phải đến các cơ quan quản lý để đăng ký thì nay doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, Bộ chỉ hậu kiểm và xử lý vi phạm.

Trước đây, có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế thực hiện kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, nhưng nay đã chuyển sang hậu kiểm, chỉ giao Hải quan kiểm tra xác suất ngẫu nhiên tổng số 5% lô hàng và rất ít mặt hàng phải kiểm tra chặt. Chỉ kiểm tra chặt khi có cảnh báo của các cơ quan quốc tế, các cơ quan an toàn thực phẩm Việt Nam.

[Văn bản yêu cầu tái xuất lô hàng lúa mì lẫn cỏ dại là sai thẩm quyền]

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế quản lý nhiều nhóm ngành hàng, các nhóm ngành hàng dược, trang thiết bị y tế, hóa chất y tế đều thực hiện kiểm tra nhà nước tại hải quan. Riêng an toàn thực phẩm muốn miễn 100% thì phải sửa Luật An toàn thực phẩm, nhưng trong trường hợp không sửa được Luật, nếu còn gây phiền hà với doanh nghiệp sẽ phải có hình thức khác. Việc quản lý an toàn thực phẩm nội địa cơ bản đã chuyển sang hậu kiểm.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho rằng Nghị định 38/2012/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm) được thay thế bằng Nghị định 15/2018/NĐ-CP là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cụ thể là Bộ Y tế. Những cải cách này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi cho biết liên quan kiến nghị của doanh nghiệp thời gian qua về sửa đổi quy định bổ sung muối i-ốt và sắt, kẽm vào bột mỳ trong sản xuất, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức. Hiện các doanh nghiệp vẫn phải dùng tạm công văn công bố của Bộ Y tế về việc tạm dừng không áp dụng quy định này, nhưng như vậy không đủ cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Bà đề nghị Bộ sớm hoàn tất việc sửa đổi quy định này bởi có những lô hàng phải xuất ra nước ngoài, quy trình pháp lý phải đầy đủ.

Thông tin làm rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện có 108 quốc gia có quy định bổ sung iốt vào muối, 85 quốc gia và vùng lãnh thổ có bổ sung sắt và kẽm, Việt Nam không phải là nước đi đầu, nếu không làm sẽ có lỗi với các thế hệ trong tương lai. Bổ sung iốt vào muối chỉ tác động tới 68 doanh nghiệp sản xuất muối, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không bị tác động vì Bộ quy định không được phép yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố có hàm lượng iốt trong thực phẩm, không tiến hành kiểm tra sản phẩm đó có iốt không, không kiểm tra doanh nghiệp và không xử lý vi phạm. Điều này được chứng minh bằng Nghị định 115/2018/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm). Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm.

“Không có bất cứ một dòng nào, quy định nào là xử lý vi phạm về không cho iốt vào trong muối,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng ngành y tế trong việc bảo đảm sức khỏe người dân.

Cho hay doanh nghiệp vẫn nghiên cứu để bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào trong sản phẩm, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi cho rằng nếu theo quy định trước đây, có những muối iốt cho vào sản phẩm sẽ lãng phí vì bị phân hủy trong quá trình chế biến.

Bức xúc với việc ghi nhãn hàng hóa

Một câu chuyện khác đến từ phía Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Góp ý về các điều kiện kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bày tỏ "cá nhân ông cũng không biết bắt đầu như thế nào." Nhận định Bộ có những chuyển biến trong rà soát các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song ông cho biết hai tháng qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản khá bức xúc liên quan tới việc ghi nhãn hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, trên thế giới hiện có ba công ty lớn khai thác cá đại dương, đăng ký với các tổ chức quốc tế kiểm soát. Các công ty này có văn phòng đại diện ở 10-15 quốc gia, có đội tàu lớn. Doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, lượng tiêu thụ trong nước chưa tới 10%. Nhập khẩu cá dưới hai hình thức: Tàu trung chuyển thu gom của ba công ty, lấy cá từ các tàu khai thác chuyển sang cho Việt Nam, mà trên tàu khai thác thì không thể có nhãn mác.

Câu chuyện bắt đầu từ chiếc nhãn. Cục Thú y giữ hàng ngoài cảng không cho kiểm dịch. Lý do ngưng kiểm dịch là hàng không có nhãn. Trước kiến nghị của VASEP, ngày 17/5, Cục Thú y có văn bản số 1007 giải quyết bất cập trước mắt đối với lô hàng của ba công ty lớn mà Việt Nam nhập về. Nhưng tới ngày 8/8, Cục lại có văn bản số 1867 yêu cầu không kiểm dịch và đề cập văn bản 1007 chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt của hai tháng vừa rồi.

Những lô hàng cá chuyển từ tàu khai thác cá quốc tế về không được kiểm dịch và sau đó Chi cục Thú y vùng 6 có văn bản gửi Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị xử lý vi phạm. Khi VASEP phản ứng gay gắt với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 22/8) thì ngày 23/8, Cục Thú y có văn bản đồng ý cho kiểm dịch với lý do "vì hải quan chưa trả lời."

Cũng theo Phó Tổng thư ký VASEP, ngày 24/9, Cục Thú y có công văn số 2233 gửi chi cục, hỏi ý kiến về việc kiểm soát chất lượng đối với lô hàng cá khai thác đại dương được đóng container. Văn bản chỉ đơn thuần hỏi ý kiến chi cục địa phương nhưng lập tức các chi cục ngừng kiểm dịch mặt hàng này trên toàn quốc. Việc hàng ách tắc tại cảng không được kiểm dịch, ông Nam cho biết, đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Sơ bộ 3 đơn vị nhập cá tàu thiệt hại khoảng 600 triệu đồng, trong đó có một doanh nghiệp thiệt hại 250 triệu đồng.

Điều vô lý, theo ông Nguyễn Hoài Nam, là cơ quan quản lý đòi doanh nghiệp nhập khẩu cá phải cung cấp chứng thư kiểm dịch, loại giấy mà thông lệ quốc tế chưa bao giờ có. Ngày 15/10, Cục Thú y ra văn bản đồng ý kiểm dịch từ ngày 16/10. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp bị thiệt hại đang muốn kiện hành chính vì thông báo ngừng kiểm dịch của các cơ quan trên không có thời gian chuyển tiếp và không dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Qua hai sự việc này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng không có điểm tựa pháp lý đủ mạnh, đang tồn tại "bất ổn trong thực thi chính sách," gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp khá lớn.

Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết quy định hành chính và thủ tục hành chính của Tổng cục Thủy sản đang có vấn đề, khi cài cắm điều kiện kinh doanh vào văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư, đó là giấy phép khai thác của ngư dân. VASEP đã tập hợp các ý kiến báo cáo Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mong muốn những chuyện của thị trường, thông lệ quốc tế phải được quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng quy định về điều kiện kinh doanh chỉ được quy định trong luật và nghị định. Quy định của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, nhưng thực tế vẫn có tình trạng lách câu chữ, không đưa vào nghị định nhưng đưa vào các thông tư bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, mà quy chuẩn, tiêu chuẩn này không phải là kỹ thuật đơn thuần mà bắt buộc phải có.

“Nói là quy chuẩn nhưng thực chất là điều kiện bắt buộc,” Bộ trưởng cho rằng đây là lợi dụng để lách luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ rất quyết liệt nhưng để cấp cục lộng hành là không ổn. Bộ trưởng cho biết sẽ kiểm tra lại, “nghe hai tai,” nếu có vi phạm sẽ yêu cầu thu hồi văn bản và công bố công khai với báo giới.

“Không thể để trường hợp, một văn bản mà doanh nghiệp phải đi đi, lại lại, hôm bảo không kiểm, hôm bảo kiểm, tự do thích thế nào làm thế mà không áp dụng theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cả,” Bộ trưởng nói.

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, ngày 30/10 là thời hạn cuối cùng để các bộ trình Chính phủ ban hành xong các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các bộ đều có quyết tâm mạnh mẽ, vào cuộc quyết liệt, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ thì cần đẩy nhanh hơn nữa. Với các dự thảo các bộ đã trình, các vụ của Văn phòng Chính phủ cần xử lý ngay.

Sau ngày 30/10, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cụ thể về những mặt được, chưa được trong đợt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện này, nhìn nhận rõ việc cắt giảm có thực chất hay không, các điều kiện được cắt giảm có “lẩn chữ,” “núp bóng” trong thông tư của Bộ không...

“Việc cải cách sẽ được tiếp tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo, vì quá trình phát triển đòi hỏi phải liên tục thay đổi cho phù hợp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là như vậy,” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục