Tránh sập bẫy đa cấp: Cảnh giác với những quảng cáo 'một vốn, 400 lời'

Nếu như người dân nghe một lời quảng cáo về tốc độ làm giàu nhanh như thế, thì nên nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp và nên thông báo cho cơ quan quản lý.
Tránh sập bẫy đa cấp: Cảnh giác với những quảng cáo 'một vốn, 400 lời' ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: iStock)

Liên tục xử phạt, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã có dấu hiệu lắng xuống, song để quản lý chặt chẽ lĩnh vực này hướng tới một môi trường kinh doanh lành mạnh thì rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng đa cấp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đã có một số chia sẻ với phóng viên những kinh nghiệm thực tế để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.

[Thêm một doanh nghiệp nộp đơn xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp]


- Thưa ông, sau một loạt những vụ việc vi phạm về kinh doanh đa cấp được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý như: MB24, Diamond Holiday… phía cơ quan chức năng của Hà Nội đã có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn, cũng như việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp bán hàng đa cấp…

Những năm qua, Sở Công Thương và các cơ quan liên quan của thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động tại địa bàn Hà Nội.

Trong năm 2016 xử lý 32 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng. Năm 2017 xử lý 8 doanh nghiệp với số tiền phạt 1 tỷ đồng và đến thời điểm tháng 11/2018 đã thanh tra đối với 8 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp với số tiền 130 triệu đồng và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng 3 triệu đồng.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã giảm từ 57 xuống còn 27 doanh nghiệp và Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xử phạt nghiêm các doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm.


- Vậy kinh nghiệm của Hà Nội trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Sở Công Thương đã cung cấp tài liệu liên quan đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo đề nghị của các cơ quan liên quan. Cụ thể là gửi văn bản cung cấp thông tin tình hình xác nhận và sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thu hồi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sát sao việc tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp. Căn cứ thông tin phản ánh nhận được về việc một số công ty, tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp khi chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Thời gian qua, Sở đã chuyển Công an Hà Nội, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động bán hàng đa cấp của các công ty, tổ chức trên địa bàn Hà Nội. Nếu phát hiện các công ty, tổ chức này hoạt động khi chưa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì đề nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Tránh sập bẫy đa cấp: Cảnh giác với những quảng cáo 'một vốn, 400 lời' ảnh 2Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Trên thế giới, kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng phát triển nhưng ít nảy sinh các biến tướng. Liệu hành lang pháp lý của Việt Nam đã đủ chặt chẽ chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Hiện chúng ta đã có những quy định pháp luật để cho phép, đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tương đối hoàn chỉnh.

Cụ thể, trên thế giới quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp cấm những hoạt động như: Kinh doanh theo hình thức kim tự tháp, cấm việc buộc người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả tiền để mua số lượng hàng nhất định, cấm doanh nghiệp sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính... thì chúng ta cũng đã có những quy định tương tự và thậm chí còn chặt chẽ hơn.

Mặc dù, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo.

Nguyên nhân là việc tư vấn được thực hiện bằng cách tuyên truyền trực tiếp từ người này đến người khác hoặc qua hội nghị, hội thảo thường tổ chức vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính… tại khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thậm chí, người bán hàng đa cấp đến tại nhà để chào mời, nên gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thông tin.

Đáng nói, những người tham gia bán hàng đa cấp bao giờ cũng phải ký hợp đồng, trong đó, điều khoản đầu tiên đã nêu cụ thể: Căn cứ Nghị định 42/2014/NĐ-CP (nay được thay thế bằng Nghị định 40/2018/NĐ-CP), những hành vi bị cấm trong hoạt động theo phương thức kinh doanh đa cấp như không được yêu cầu người tham gia phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp...

Do vậy, nếu thấy các doanh nghiệp yêu cầu các nội dung trái pháp luật, thì người tham gia có thể thông báo với các cơ quan chức năng và đưa ra bằng chứng. Trong trường hợp đó cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vấn đề ở đây là khi đi vào thực tế thì dường như ở nước ngoài, người dân cảnh giác hơn với những lời quảng cáo “một vốn, 400 lời”. Trong khi ở Việt Nam có không ít người lại dễ tin vào những lời quảng cáo như vậy. Nếu như người dân nghe một lời quảng cáo về tốc độ làm giàu nhanh như thế, thì nên nghĩ ngay rằng đó là biến tướng của bán hàng đa cấp và nên thông báo cho cơ quan quản lý.

- Số vụ xử lý vi phạm của lực lượng 389 Hà Nội trong 9 tháng:

- Làm thế nào để người dân có thể tránh bị sập phải bẫy bán hàng đa cấp biến tướng?

Ông Nguyễn Thanh Hải: Để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo vào bẫy lừa đảo đa cấp, người dân cần chủ động tìm hiểu các quy định của pháp luật, nhận thức rõ các dấu hiệu vi phạm, lừa đảo như: Mời chào người dân tham gia đầu tư, nộp tiền và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì.

Hay việc tư vấn người dân mua số lượng hàng hóa vượt khả năng tiêu thụ để được lên cấp, nhận hoa hồng, tiền thưởng; bán hàng đa cấp nhưng không có hàng hay kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa...

Để giúp người dân hiểu rõ quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Sở Công Thương đã đăng tải nội dung tuyên truyền về hoạt động bán hàng đa cấp lên website của Sở, cũng như thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp, danh sách các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp hay thông báo chấm dứt hoạt động...

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.