Tiếp theo các cuộc điện đàm với các đối tác nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 do Bộ Quốc phòng chủ trì, tối 1/7, tại Trụ sở Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc điện đàm với ông David F. Helvey, Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.
Trước điện đàm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có buổi tiếp ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, người cùng tham dự hoạt động này tại đầu cầu Việt Nam.
Tại điện đàm, hai bên đã thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của mỗi nước, cùng chia sẻ những khó khăn mà hai nước đang phải đối mặt, đồng thời cảm ơn về sự hỗ trợ lẫn nhau trong phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua; thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này.
[Nỗ lực hơn nữa đưa quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới]
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thông báo cho phía Hoa Kỳ những hoạt động trong kênh hợp tác quân sự-quốc phòng giữa các nước ASEAN với các nước đối tác mà Hoa Kỳ là một trong những thành viên, về các Hội nghị cấp Bộ trưởng và các Hội nghị do Việt Nam tổ chức.
Phía Hoa Kỳ đánh giá cao sự điều chỉnh chương trình của Việt Nam đối với Năm Chủ tịch ASEAN phù hợp với tình hình thực tế và cho biết luôn ủng hộ các hoạt động của ASEAN nói chung, cũng như các sáng kiến của Việt Nam nói riêng.
Về quan hệ song phương, hai bên điểm lại các kết quả hợp tác trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh; thống nhất trong thời gian tới, trên cơ sở các văn bản, thỏa thuận đã ký kết cùng các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, hai bên sẽ thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phù hợp với quan hệ chung, trong đó ưu tiên lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh và gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tại buổi điện đàm, hai bên đã trao đổi về tình hình khu vực, thế giới cùng quan tâm và thống nhất việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp là biện pháp quan trọng góp phần vào xây dựng lòng tin, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển chung của khu vực và thế giới./.