Trao đổi mã số thuế với bảo hiểm xã hội để quản lý chặt nguồn thu

Bảo hiểm xã hội và Tổng cục Thuế sẽ trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân để phối hợp quản lý thu các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý thu thuế.
Trao đổi mã số thuế với bảo hiểm xã hội để quản lý chặt nguồn thu ảnh 1Buổi làm việc giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thuế. (Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn)

Lễ ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thuế đã được tổ chức chiều 27/12, tại Hà Nội.

Theo quy chế này, hai bên trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập từ tiền lương tham gia đóng các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc và nộp thuế để phối hợp quản lý thu các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý thu thuế.

Hai bên cũng trao đổi về kết quả thanh tra, kiểm tra và phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức trả thu nhập trong việc thu bảo hiểm xã hội và thu thuế; trao đổi mã số thuế để sử dụng trong quản lý tổ chức trả thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Thuế triển khai cấp mã số thuế đối với tổ chức trả thu nhập theo quy định và phối hợp trao đổi để cơ quan Bảo hiểm xã hội sử dụng trong quản lý đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong năm 2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thuế xây dựng quy trình cấp, sử dụng mã số thuế trong việc quản lý thu thuế và thu các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với tất cả các tổ chức trả thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội. Tổ chức trả thu nhập được sử dụng chữ ký số khai thuế để kê khai tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, thời gian qua tuy chưa có văn bản chính thức của hai ngành, nhưng ở nhiều địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ quan thuế cũng đã tích cực phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của ng ười lao động. Do vậy, việc ban hành quy chế phối hợp cũng là đáp ứng yêu cầu từ thực tế quản lý.

Quy chế phối hợp đặt nền móng, cơ sở cho cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh phối hợp hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý của mỗi ngành, như quản lý chặt chẽ, chính xác hơn đối tượng nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội; hạn chế tình trạng trốn, nợ thuế và bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lạm dụng, gian lận, như trích tiền bảo hiểm xã hội để tính thuế nhưng không nộp bảo hiểm xã hội...

Ngoài ra, quy chế phối hợp cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý ngành bảo hiểm xã hội. Tới đây, việc trao đổi, sử dụng chung mã số doanh nghiệp giữa hai bên sẽ làm giảm thời gian, chi phí hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế và bảo hiểm xã hội.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội, thực hiện mục tiêu giảm 1/3 số lần và 50% số giờ giao dịch của các doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế so với hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã sửa đổi một số nội dung của các quyết định về thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương quyết tâm thực hiện các mục tiêu giảm thủ tục hành chính, giảm số lần giao dịch, giảm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, người dân trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Nhiều mẫu biểu không cần thiết, tiêu chí trùng lặp đã được loại bỏ; nhiều thủ tục được rút gọn, đơn giản hóa, nhằm ưu tiên tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Đánh giá cao công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như công tác phối hợp trao đổi thông tin của hai ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị hai ngành quán triệt triển khai quy chế phối hợp tới cơ quan các cấp, tới cán bộ thực thi, nhằm mục tiêu đạt kết quả cao hơn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Những dữ liệu sẵn có, hai cơ quan tự khai thác dùng chung để tiết kiệm chi phí, không được yêu cầu người nộp thuế khai thêm, có như vậy kết quả cải cách thủ tục hành chính mới thực sự đến với người dân và doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục