Ngày 28/8, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn nguồn Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đạt xấp xỉ 566 triệu USD, trong đó Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu khoảng 344 triệu USD.
Theo ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, trong bối cảnh thị trường Israel có nhiều khó khăn, nếu không có biến động lớn gây ảnh hưởng tới thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel trong cả năm nay có thể đạt trên 800 triệu USD, tăng nhẹ so với năm 2018, và nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 200 triệu USD.
Trong 8 tháng đầu năm nay, tình hình chính trị, an ninh tại Israel có nhiều diễn biến căng thẳng phức tạp gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp và ít nhiều ảnh hưởng tới các giao dịch thương mại của doanh nghiệp cũng như xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, dẫn tới tốc độ xuất khẩu suy giảm nhẹ trong 7 tháng đầu tiên.
Kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh, chủ yếu do giảm nhập khẩu nhóm hàng máy tính và linh kiện điện tử.
Tham tán Lê Thái Hòa cũng cho biết cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp.
Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh.
[Hiệp định FTA Israel - Việt Nam sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước]
Trong trao đổi thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Israel với trị giá lớn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm, đặt vấn đề muốn nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng lương thực, thực phẩm (hạt điều, thủy hải sản các loại gồm cá ngừ, tôm đông lạnh, mực, nước giải khát các loại...), hàng dệt may, giày dép, hàng tiêu dùng và gia dụng, đồ dùng và vật dụng thể thao, trái cây chế biến và sấy khô từ Việt Nam.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu giày dép tăng mạnh ở mức 31,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, mặt hàng thủy sản giảm 32,0%.
Từ cuối năm 2018, Israel tăng cường các biện pháp kiểm soát và siết chặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm lương thực, thực phẩm nhập khẩu từ nướ ngoài vào thị trường trong nước.
Ngoài ra, mặt hàng gạo của Việt Nam (cụ thể là sản phẩm gạo thơm, hạt dài, 5% tấm, đóng bao 5 kg); tôm đông lạnh nguyên con đóng gói bao bì theo dạng khay hộp và tôm đông lạnh chế biến đóng gói trong túi nilon, tiếp tục xâm nhập và có chỗ đứng ổn định tại thị trường Israel.
Các mặt hàng như hạt điều, hạt tiêu do một số công ty ở khu vực phía Nam ký hợp đồng xuất khẩu, vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào Israel.
Theo số liệu do Cục Thống kê trung ương Israel mới công bố, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel trong quý 2/2019 tăng nhẹ 1%.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, GDP đạt 3,6% so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, trong quý vừa qua, nền kinh tế Israel rơi vào tình trạng trì trệ do chịu ảnh hưởng của giảm chi tiêu công và đầu tư tài sản cố định.
Một số nhà kinh tế đánh giá, tăng trưởng kinh tế Israel trong nửa cuối năm nay có khả năng bị chậm lại, do ảnh hưởng của hoạt động kinh tế và thương mại thế giới kém sôi động.D ự báo GDP cả năm 2019 tăng 3,3%.
Theo kế hoạch, Israel sẽ tiến hành bầu cử lại Quốc hội vào ngày 17/9 tới và sau đó sẽ thành lập chính phủ mới. Do vậy, chi tiêu công sẽ phát sinh tăng do tốn kém chi phí để phục vụ cuộc bầu cử lại.
Bộ Tài chính Israel dự báo, đến cuối năm 2019, thâm hụt ngân sách chiếm khoảng 3,6% GDP, vượt hơn gần 10 tỷ NIS (tương đương 2,86 tỷ USD) so với mục tiêu đặt ra trong kế hoạch từ đầu năm./.