Cần những “sân chơi mini” thiết thực
Tuy Hà Nội có rất nhiều điểm vui chơi công cộng, quy mô lớn như công viên Hồ Tây, Thủ Lệ, Thống Nhất, Cung Thiếu Nhi... nhưng trên thực tế, hoạt động của những điểm vui chơi này mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của các gia đình. Không chỉ thế, việc đưa con trẻ đến những khu vui chơi kể trên rất bất tiện khi nhiều gia đình ở xa phải sắp xếp thời gian và kinh phí.
Anh Nguyễn Chí Thành, sống tại khu chung cư 671 Hoàng Hoa Thám, chia sẻ quan điểm: "Vợ chồng tôi đều rất bận rộn nên rất hiếm hoi mới có thời gian đưa con đi chơi. Giá mà giữa khu chung cư với bốn toà nhà hơn 20 tầng và hàng trăm hộ dân có một sân chơi nhỏ dành cho con trẻ để chiều chiều các cháu có thể vui chơi với nhau thì có phải tốt hơn không"?
Anh Thành cũng cho biết, anh và nhiều gia đình sống ở đây sẵn sàng đóng góp tiền nếu có thể triển khai mô hình sân chơi cho trẻ em thay vì sử dụng như bãi gửi ôtô dành cho người lớn như hiện nay.
Chung nguyện vọng như anh Thành, chị Nguyễn Thị Liễu, người dân khu chung cư Lilama, 124 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cho biết, tại nơi chị ở có khuôn viên nhưng không có trò chơi cho trẻ, các khoảng trống đều bị người lớn trưng dụng làm bãi đỗ xe, ngoài khu chung cư là mặt đường Minh Khai đông xe cộ đi lại. Gần nhà chị nhất là công viên Tuổi Trẻ thì hiện vẫn chưa có khu vui chơi dành riêng cho trẻ.
Bác Đỗ Thành Đồng, Bí thư Chi bộ cụm 5C khu dân cư số 5, Phó ban Đời sống-văn hoá khu dân cư số 5, Tổ trưởng tổ dân phố số 45, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, cho biết, cả cụm dân cư số 5 có tổng số 600 hộ dân với gần 600 trẻ em. Sân chơi của cụm rộng khoảng gần 300m2 nhưng chỉ có hai cầu trượt.
"Sân chơi do quận tài trợ cho việc san lấp, xây dựng nhưng lại không có các thiết bị chơi. Trong khi đó, nhiều khi người lớn lại trưng dụng làm nơi tập thể dục, đánh cầu lông, bãi gửi xe... Các cụm dân cư đã nhiều lần đề xuất phường, quận hỗ trợ mua sắm một số đồ chơi công cộng cho các cháu tuy nhiên đều không có hồi âm, đành tự vận động các gia đình đóng góp được gần 20 triệu đồng, mua được hai chiếc cầu trượt từ năm 2007, đến giờ cũng đã bảo dưỡng hai lần bằng quỹ của cụm," bác Đồng nói.
Khảo sát của Vietnam+ tại các khu đô thị mới, khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội như: Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Kim Liên, Thái Thịnh (Đống Đa), Mỹ Đình II, Mễ Trì (Từ Liêm), Văn Quán (Hà Đông), Vĩnh Phúc (Ba Đình)... không có nhiều các "sân chơi mini." Trong đó, các thiết bị chơi dành cho trẻ nơi thì được phường cấp mới một lần, nơi thì nhờ xã hội hoá do các gia đình tự góp tiền, phổ biến nhất là cầu trượt, xích đu, bảng bóng rổ, đu quay loại nhỏ. Tuy nhiên, các thiết bị đã có dấu hiệu xuống cấp, bị rỉ róc, gãy, bạc nhựa... không còn an toàn cho trẻ.
Giải pháp xã hội hoá sân chơi
Trước thực trạng sân chơi dành cho trẻ em vừa thiếu về số lượng lẫn chất lượng, một số địa phương đã thực hiện xã hội hoá các khu vui chơi như Công viên Cầu Giấy, Công viên Nghĩa Đô.
Năm 2012, quận Cầu Giấy đã khánh thành khu vui chơi cho thiếu nhi từ nguồn vốn xã hội hóa tại công viên Nghĩa Đô với tổng đầu tư 5,6 tỷ đồng và tại công viên Cầu Giấy với mức đầu tư giai đoạn 1 trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Bí thư thường trực Quận ủy quận Cầu Giấy, cho biết: "Thực tế, với tốc độ phát triển dân cư như hiện nay, các khu vui chơi cho người dân, đặc biệt là trẻ em đang là mối quan tâm lớn nhất đối với lãnh đạo quận. Để nhanh chóng cải thiện điều này, quận đã tiến hành xã hội hoá các khu vui chơi vận động các doanh nghiệp bằng hạng mục, phân công, vận động doanh nghiệp đảm nhận từng phần việc cụ thể. Ví dụ: có doanh nghiệp nhận cung cấp cây xanh, doanh nghiệp khác đặt thiết bị... Các doanh nghiệp được tự làm, tự thấy hiệu quả và ý nghĩa trong công việc nên rất ủng hộ".
Cũng theo ông Toàn, quận Cầu Giấy đang phấn đấu mỗi phường có một điểm “sân chơi mini” bằng hình thức xã hội hoá. Quận sẽ lấy quỹ đất hoặc đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất để xây dựng sân chơi, hướng tới mục tiêu mỗi phường sẽ có vài trăm mét vuông đất xây dựng sân chơi cho trẻ em.
Trước đó, nhiều cụm dân cư cũng đã xã hội hoá sân chơi bằng cách tự quyên góp, tuy nhiên, mô hình này mới chỉ ở quy mô nhỏ, chưa bài bản và chưa quản lý tốt nên thường đầu tư "một lần rồi thôi," đến lúc "hết hạn sử dụng" thì con trẻ bị thiệt thòi.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy đang dự thảo việc tiến hành thu phí 1.000 đồng/trẻ em và 2.000 đồng/người lớn để có nguồn vốn duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, trả lương cho công nhân vệ sinh… khu vui chơi nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân một cách hợp lý, lâu dài và hiệu quả.
Trong khi việc thiếu mặt bằng xây dựng sân chơi cho trẻ em đang là vấn đề cấp thiết của nhiều quận trong thành phố thì công viên Tuổi Trẻ, “mảnh đất vàng” rộng hơn 26 ha nằm giữa quận Hai Bà Trưng lại đang bị chia nhỏ để kinh doanh nhà hàng, sân tennis, sân bóng, bãi gửi xe… dành cho người lớn, còn phần “công viên” dành cho trẻ vẫn chỉ là chủ trương trên giấy tờ.
Bà Nguyễn Hòa Hợp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, công viên Tuổi Trẻ chính thức được giao cho công ty quản lý từ tháng 1/2013 nhưng đã hơn nửa năm trôi qua, công ty vẫn chưa nhận được bất cứ một biên bản bàn giao tài sản chính thức nào.
“Hiện nay, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đang bắt đầu lập đề án cải tạo, xây dựng lại công viên Tuổi trẻ, trong đó chú trọng đến triển khai các khu vui chơi trẻ em để trình thành phố. Tuy nhiên, với tiến độ bàn giao mặt bằng như hiện nay thì chưa biết đến khi nào đề án này mới thành hiện thực,” bà Hợp ngán ngẩm nói.
Trước sự “ì ạch” thiếu quyết liệt từ các cấp chính quyền đối với công viên Tuổi Trẻ, nhu cầu vui chơi của trẻ em lại tiếp tục phải nhường chỗ cho những nhu cầu và toan tính của người lớn./.