Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới hàng năm của UNICEF được công bố ngày hôm nay 12/12 cho biết, mặc dù hiện này có rất nhiều trẻ em sử dụng inernet, cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em. Thế nhưng, hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít.
[Đưa thông tin trẻ em trên 7 tuổi lên mạng phải được sự đồng ý của trẻ]
Báo cáo Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2017 có tên gọi "Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số" nêu bật những ranh giới trong công nghệ số và tìm hiểu kỹ hơn về các cuộc tranh luận đang diễn ra liên quan đến tác động của internet và truyền thông xã hội tới sự an toàn và phúc lợi của trẻ.
Lợi ích và rủi ro từ internet
Báo cáo "Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số" trình bày cái nhìn toàn diện đầu tiên của UNICEF về các khía cạnh khác nhau mà công nghệ kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến đời sống và các cơ hội sống của trẻ em, xác định nguy cơ cũng như cơ hội. Báo cáo chỉ ra rằng Chính phủ và khu vực tư nhân không theo kịp tốc độ thay đổi, khiến trẻ em phải đối mặt những nguy hại, rủi ro mới và khiến hàng triệu trẻ em bị thiệt thòi nhất bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo này nghiên cứu các lợi ích mà công nghệ số có thể mang lại cho trẻ em bị thiệt thòi nhất, bao gồm cả trẻ lớn lên trong đói nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp nhân đạo. Lợi ích bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số và mang lại cho trẻ em một nền tảng để kết nối và biểu đạt quan điểm của các em.
Nhưng báo cáo cũng cho thấy hàng triệu trẻ em đang không được hưởng các lợi ích mà công nghệ số mang lại. Khoảng một phần ba thanh thiếu niên trên thế giới tương đương 346 triệu người không được sử dụng internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.
Báo cáo cũng nhấn mạnh internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến. Báo cáo ghi nhận sự hiện diện khắp nơi của các thiết bị di động khiến việc truy cập trực tuyến của trẻ em ít được giám sát hơn và do đó tiềm năng rủi ro cao hơn.
Các mạng kỹ thuật số như các trang web đen và các hình thức tiền tệ kỹ thuật số tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng tồi tệ nhất diễn ra, bao gồm nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em “theo đơn đặt hàng”.
Báo cáo đưa ra những số liệu và phân tích hiện tại về tình hình sử dụng trực tuyến của trẻ em và tác động của công nghệ số tới phúc lợi của trẻ, tìm hiểu sâu hơn về những cuộc tranh luận đang ngày càng nóng về "nghiện" công nghệ số và ảnh hưởng có thể có của thời gian trực tuyến tới sự phát triển của não bộ.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: "Không thể phủ nhận rằng công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ nhất. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho những trẻ em bị bỏ lại phía sau, đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực khó khăn, khó tiếp cận, kết nối các em úng với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số."
Nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến
Kể từ khi chính thức hòa mạng Internet vào năm 1997, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng với 64 triệu người sử dụng Internet tính đến tháng 6 năm 2017, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở Châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64.000.000 người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.
Một cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy 72% thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 15-24 sử dụng internet. Thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đề cao sự an toàn trực tuyến và nhận thức được những nguy cơ của internet với 74% tin rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.
Phát biểu tại buổi lễ công bố báo cáo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan bày tỏ: “Tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức có liên quan cùng hành động để tạo môi trường mạng an toàn cho trẻ em tham gia, sử dụng internet phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tao của các em. Đặc biệt là hướng dẫn các kỹ năng để trẻ em có thông tin và tham gia vào môi trường mạng được an toàn; bảo vệ bí mật riêng tư cho trẻ em và lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách về công nghệ số."
Báo cáo khuyến nghị chỉ có hành động chung của Chính phủ, của khu vực tư nhân, các tổ chức về trẻ em, học viện, gia đình và chính trẻ em mới có thể giúp nâng tầm sân chơi công nghệ số, khiến internet an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn với trẻ em.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: "Bảo vệ trẻ em trực tuyến không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng internet mà là bảo vệ sự an toàn của các em và chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để theo kịp tốc độ thay đổi để bảo vệ trẻ em đặc biệt những em thiệt thòi nhất khỏi nguy cơ và nguy hại mới mà trẻ em phải đối mặt."/.