Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho chủ vật nuôi tại địa phương có lợn phải tiêu hủy năm 2019 do bị bệnh tả lợn châu Phi với số tiền trên 208 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã cấp trên 250 tỷ đồng cho phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và cấp trên 350.000 con gà J.Dabaco cho các hộ chăn nuôi để chuyển đổi sản xuất, đảm bảo sinh kế với mức hỗ trợ 80% còn 20% người chăn nuôi đối ứng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương có trên 20 hộ dân thuộc 5 huyện, thành phố có lợn bị bệnh tả lợn châu Phi buộc tiêu hủy 24 con lợn. Tuy nhiên, số hộ dân này đến nay không được hỗ trợ do từ 1/1/2020, Chính phủ chưa ban hành chính sách hỗ trợ mới cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Ninh Bình cho biết Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019. Vì vậy, số hộ dân có lợn bị bệnh tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay vẫn chưa được hỗ trợ nên còn nhiều hộ dân còn e ngại trong công tác tái đàn.
Việc tái đàn sản xuất hiện nay chủ yếu chỉ được thực hiện ở các cơ sở, trang trại quy mô vừa và lớn, những trang trại vẫn an toàn dịch bệnh từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, quy mô tái đàn chỉ tương đương với quy mô công suất đàn nái sẵn có, việc nhập mới đàn lợn nái rất ít. Đối với các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thì hầu như không dám tái đàn.
Bên cạnh đó, giá lợn giống hiện nay tăng cao (khoảng 2,3-2,7 triệu đồng/con biểu 7kg/con) và thiếu nguồn giống do các công ty, trại giống không bán khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tại Ninh Bình, đàn lợn hiện tại còn trên 258.000 con, tương đương với 62% so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Ước tổng đàn lợn hiện tại của tỉnh tăng khoảng 3,36% so với cuối năm 2019.
[Giá lợn hơi trên thị trường tiến sát mốc 100.000 đồng mỗi kilogam]
Theo ông Mạnh, đến nay dịch tả lợn châu Phi tại địa phương cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, do vị trí địa lý Ninh Bình có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua, mật độ giao thông lớn, lượng khách du lịch tăng cao nên công tác kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, áp lực dịch bệnh lớn.
Việc tiêu hủy còn nhiều khó khăn về quỹ đất, vị trí chôn lấp, tiêu hủy. Việc lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả chậm do số lượng mẫu gửi từ các tỉnh có dịch về phòng xét nghiệm nhiều làm ảnh hưởng đến công tác khống chế dịch bệnh.
Việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ tham gia nhiệm vụ phòng chống, khống chế dịch bệnh còn chậm nhất là tuyến cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm số lượng lớn, ý thức một số hộ chăn nuôi còn hạn chế.
Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiến nghị các ngân hàng thương mại rà soát khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi, doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi để giảm bớt khó khăn, tạo cơ hội duy trì, tái đàn sản xuất; đồng thời, ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi lợn bị tiêu hủy do bệnh tả lợn châu Phi từ ngày 1/1/2020 để hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi và ổn định tình hình dịch bệnh.
Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống, khống chế bệnh tả lợn châu Phi; phối hợp kiểm tra, rà soát, xử lý các hố chôn, địa điểm chôn lấp có sự cố về môi trường.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ hóa chất, vắcxin tiêm phòng dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quan tâm ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các cơ sở giống vì đây là hạt nhân quan trọng để tái đàn sản xuất.
Tính đến ngày 5/5 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 13.712 hộ/1.215 thôn của phần lớn các xã, phường của tỉnh Ninh Bình với tổng số lợn bị chết, tiêu hủy gần 109 nghìn con, chiếm 27% tổng đàn./.