Là một trong 100 trí thức trẻ người Việt về tham dự Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network), phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Như Hoa, Phó trưởng Ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK), hiện đang công tác tại Đại học Gachon, Hàn Quốc cho biết, nhờ cách mạng công nghiệp 4.0 mà chị đã chia sẻ nghiên cứu của mình trong lĩnh vực y sinh học tại Hàn Quốc chuyển giao về Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Như Hoa “bén duyên” với lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ nano ứng dụng trong y sinh học. Nói về việc “bén duyên” với nghiên cứu chị cho biết, ngay từ khi học đại học chuyên ngành khoa học và công nghệ vật liệu , chị được “truyền lửa” từ các thầy cô giáo ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để bắt đầu vào phòng thí nghiệm ngay khi năm thứ 3…
Con đường đến khoa học quả là gian lao, có khi thức “trắng” đêm để làm thí nghiệm, bên cạnh đó là áp lực vì hầu hết những tài liệu bổ sung kiến thức toàn bằng tiếng Anh và các tạp chí chuyên ngành kỹ thuật với những từ ngữ hoàn toàn “mới mẻ” trong nghiên cứu.
[Làm gì để kết nối 10.000 nhà khoa học Việt trên toàn cầu?]
"Vùi đầu” vào nghiên cứu rồi chọn làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc bởi Hàn Quốc là đất nước phát triển về giáo dục và có sự cạnh tranh khá lớn của các công ty kỹ thuật công nghệ và môi trường nghiên cứu học tập ở Hàn sánh ngang với các nước phát triển như Phần Lan, Nhật Bản, Anh, Canada…
Trần Thị Như Hoa làm nghiên cứu sinh “đơn thuần” với quan điểm sau này có thể về Việt Nam ứng dụng và chị chọn theo đuổi một trong những lĩnh vực mới mẻ trên thế giới đó là nghiên cứu sinh học quang tử, vật lý kỹ thuật y sinh học nhằm chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer thông qua Tau-protein, bệnh tim thông qua nồng độ Troponin I, bệnh nhồi máu cơ tim…
"Đến nay, có thể nói thành công lớn nhất là việc nghiên cứu thành công về chẩn đoán sớm bệnh mất trí nhớ Alzheimer và những bệnh về tim, hô hấp… trong tương lai tôi sẽ nghiên cứu thêm vật liệu mới để chẩn đoán bệnh về phụ nữ" - chị Hoa cho biết.
Thành công có được như ngày nay là kết quả của một quá trình khá dài theo đuổi nghiên cứu từ ngày còn ở đại học, đến đi làm nghiên cứu sinh với những lĩnh vực như toán-tin, vật lý quang-laser, vật liệu, điện tử, sinh học quang tử, vật lý kỹ thuật y sinh học nhằm chế tạo, thiết kế các thiết bị hoặc vật liệu tổng hợp ứng dụng sự đa dạng của quang-laser trong công nghệ y học.
“Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi, Alzheimer không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh mà là dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ.
Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất do tôi và các cộng sự của mình thực hiện đã thành công với kỹ thuật tăng cường tín hiệu huỳnh quang với surface plasmon coupled emission (SPCE) để dễ dàng phát hiện sự nồng độ nhỏ nhất của DNA mạch kép (dsDNA) (~400 fg/µL) so với các kỹ thuật khác trên thế giới (ELISA, Electrical detection, Aptamer…)”, chị Trần Thị Như Hoa chia sẻ.
Vẫn “trăn trở” với quan điểm có thể về Việt Nam ứng dụng, chị Trần Thị Như Hoa đang cùng với Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những kết quả nghiên cứu trong công nghệ y sinh để đưa vào ứng dụng tại Việt Nam.
Là một trong 100 trí thức trẻ người Việt trở về tham dự Chương trình kết nối đổi mới sáng tạo 2018, chị Hoa mong muốn với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
"Đối với cá nhân tôi là một người đang làm việc tại Hàn Quốc nhưng tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam, mong muốn sau này được trở về để cống hiến những gì mình biết và đem công nghệ mình học được, làm được tại Hàn Quốc về Việt Nam ứng dụng.
Hiện nay, tôi tiếp tục phối hợp cùng với phó giáo sư, tiến sỹ Phan Bách Thắng, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện những dự định của mình, áp dụng những gì mình học và liên kết với giáo sư nơi tôi đang làm việc để áp dụng các kỹ thuật mới trong lĩnh vực y-sinh học" - chị Hoa cho biết thêm./.