Triển khai kiểm toán về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong

Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá công tác quản lý Nhà nước và tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mekong, giai đoạn 2016-2020 và trước đó.
Triển khai kiểm toán về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong ảnh 1Ngư dân đánh bắt cá trên sông Mekong. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 3/3, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quyết định kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá công tác quản lý Nhà nước và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mekong, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2016-2020 và thời kỳ trước, sau có liên quan và địa điểm kiểm toán tại bốn bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố. Thời hạn kiểm toán là 58 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán tại đơn vị.

Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về việc thúc đẩy vai trò trong việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội.

Với cương vị Chủ tịch Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các SDG” vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và tổ chức thực hiện vào năm 2021.

Cuộc kiểm toán hợp tác được thực hiện theo hình thức kiểm toán song song, do Kiểm toán nhà nước Việt Nam chủ trì và Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Lan, Myanmar là thành viên, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong mang tính bền vững, cải thiện môi trường sống và sự phát triển hài hòa của các quốc gia thuộc lưu vực sông, trong đó có Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.