Triển lãm 'Con giống': Sự hòa quyện của truyền thống và hiện đại

Mỗi nghệ sỹ tham gia triển lãm có một phong cách sáng tạo khác nhau, tạo nên một thế giới sinh động của các loài vật đồng thời mượn loài vật để phản ánh đời sống con người.
Một khách tham quan triển lãm chiêm ngưỡng cụm tác phẩm của nghệ sỹ Lê Ngọc Thuận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình tượng con giống rất phong phú. Từ con chim lạc, con cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn đến những con giống trên gốm Lý Trần, gốm Chu Đậu. Hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sỹ theo đuổi đề tài con giống như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Tiếp nối dòng chảy ấy, nhóm 4 nghệ sỹ gồm Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung và Lê Thiết Cương cùng làm điêu khắc con giống.

Triển lãm chung “Con giống” của họ khai mạc tối 20/5 tại Hà Nội. Mỗi người có một phong cách sáng tạo khác nhau, tạo nên một thế giới sinh động của các loài vật nhưng lại không chỉ là các loài vật, là con giống mà lại “không giống” như họa sỹ Lê Thiết Cương nói.

“Điểm khởi đầu của bất cứ nghệ thuật nào cũng là từ đời sống nhưng nghệ thuật phải đưa ra một khuôn mặt khác của đời sống ấy. Vẫn là cái cây ấy nhưng lại không còn là nó, vẫn dòng sông ấy nhưng là một dòng sông khác, vẫn là con chim ấy nhưng lại là một con chim mới. Nghệ sỹ là kẻ sáng tạo, là ‘sáng thế’ cho nên ‘con giống’ phải là con ‘không giống’, ‘con giống’ phải là ‘con khác’,” nghệ sỹ chia sẻ.

Những tác phẩm hết sức sống động, khiến nhà thơ Thụy Kha cảm tác:

“Ngỡ chim lạc/Bay ra từ trống/Mặt trời tự do

Không vượt vũ môn/Cá gò đồng/Quẫy trong tượng.”

Cụm tác phẩm của nghệ sỹ Lê Minh Trí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Lê Minh Trí là nghệ sỹ trẻ nhất nhóm, sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Đây là lần đầu anh lộ diện bằng những tác phẩm trâu bò lợn gà và nhất là chó, con vật mà anh yêu thích. Các tác phẩm đều bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng màu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu.

Nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung sinh ra và lớn lên ở làng gốm sành Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh, một làng gốm cổ đã 900 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp và hiện nay là giảng viên ngành Điêu khắc, khoa Trang trí nội ngoại thất của trường.

Những tác phẩm lần này đều thực hiện trong mấy năm gần đây và cùng một đề tài ngựa, sáng tác chỉ với chất liệu gốm Phù Lãng. Về tạo hình, tác giả khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy.

Họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét những tác phẩm của Vũ Hữu Nhung là cây cầu nối truyền thống với hiện đại: “Tác giả tập trung vào hình khối mà bỏ qua chi tiết, không sa đà tả cơ bắp nhưng người xem vẫn thấy được sự khỏe khoắn ở mỗi tác phẩm. Tác giả đã khéo léo thêm bớt đâu đó một vài chi tiết tạo cho tác phẩm thấp thoáng yếu tố dân gian, nhưng rất hài hòa, rất mới. Ở một số tác phẩm con người được đưa vào gợi cảm giác sinh động, vui nhộn, no đủ.”

[Họa sỹ Lê Thiết Cương 'phổ họa' vào Kiều theo phong cách tối giản]

Nghệ sỹ Lê Ngọc Thuận góp mặt với triển lãm bằng các tác phẩm điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà trống... Các con giống mỗi con một dáng vẻ nhưng đều cùng một ý tưởng xuyên suốt: Cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở Quảng Nam.

Nghệ sỹ Lê Thiết Cương giới thiệu tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đồng và sắt, sáng tác trong hai năm 2020 và 2021. Anh vẫn nhất quán với phong cách nghệ thuật tối giản, dù là hội họa hay điêu khắc, vẫn là quan niệm điêu khắc: Mặt, mặt phẳng, diện.

Với Lê Thiết Cương, mặt phẳng là hai chiều dài, rộng nhưng khi ghép nối, uốn cong thì sẽ thành ba chiều. Dài rộng sẽ thành cao thấp, nông sâu chỉ bằng kỹ thuật gò, ghép, uốn, cắt, khắc, đục, đột, dập, gấp.

Triển lãm kéo dài đến 27/5 tại Trung tâm Bảo tồn văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài ra, triển lãm còn diễn ra tại Gallery Hakio, 38 Trần Cao Vân, Thành phố Hồ Chí Minh (từ 16/6) và tại Coco Casa Việt Nam, Hội An, Quảng Nam (đầu tháng Bảy)./.

Một số tác phẩm tại triển lãm:

Triển lãm thu hút rất đông khách tham dự. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tác phẩm 'Mèo hổ' của Lê Minh Trí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tác phẩm đầy màu sắc của Lê Minh Trí. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Điêu khắc trên gỗ 'Ông ba mươi' của nghệ sỹ Lê Ngọc Thuận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngựa gốm của nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
'Rồng vờn mây' của Lê Ngọc Thuận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
'Gà trống nhà gươl' của Lê Ngọc Thuận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tác phẩm của nghệ sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ngựa gốm của nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
'Trống mái' - tác phẩm của nghệ sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tác phẩm của nghệ sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
'Mùi trên đỉnh' của Lê Ngọc Thuận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục