Triển lãm đầu tiên của cây đại thụ trong làng tranh lụa Việt Nam

"Đi giữa hai thế kỷ" lần đầu đem đến cho công chúng 30 bức tranh lụa đặc sắc của bà Mộng Bích, nữ họa sỹ 90 tuổi với buổi triển lãm tranh đầu tiên của mình.
Triển lãm 'Đi giữa hai thế kỷ' trưng bày 30 bức vẽ của của họa sỹ Mộng Bích trên chất liệu tranh lụa và màu nước, ghi lại hành trình sáng tác trong gần 60 năm của bà. Triển lãm mở từ ngày 22/10 đến 21/11 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Trong hình là bức 'Em bé Hàn Quốc' mà bà Mộng Bích vẽ năm 2006 vì thích vẻ ngây thơ, hiếu động của em. Tranh được chọn làm hình đại diện cho triển lãm. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đây là lần đầu tiên, họa sỹ tranh lụa 90 tuổi mới có một buổi triển lãm cho riêng mình. Khi xưa, do chiến tranh, bà cùng gia đình sơ tán rồi mãi đến năm 1957 mới có cơ hội vào học Cao đẳng Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau này). Năm 1970, bà trở thành cây vẽ minh họa cho tờ Độc Lập. Vì công việc bận rộn, phải chăm chồng ốm, con nhỏ, gia đình khó khăn nên bà không có thời gian vẽ theo ý muốn của riêng mình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Chỉ đến năm 1990, tòa soạn giải thể, bà được chuyển sang công tác tại Viện Nguyên tử, tại đây, bà được cử đi vẽ lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt. Trong chuyến đi, bà ghé qua vùng người Chăm ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận và ký họa nhiều bức vẽ ấn tượng. Trong ảnh là bức 'Ông già Chăm' (1987), một người khó tính mà mãi sau ông mới đồng ý cho bà Mộng Bích vẽ mình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bức vẽ chì 'Mẹ và con' của bà là tác phẩm đạt giải nhất tại triển lãm Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc, năm 1961. Câu chuyện đằng sau bức tranh không có gì quá đặc biệt nhưng cách bà cảm nhận cái đẹp và phác lại những gì bà thấy gợi cho người xem về một nghệ sỹ giản dị, chân thành. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bà mơ ước được vẽ sơn dầu bởi thời đó, mọi người quan niệm vẽ được sơn dầu mới là giỏi. Tuy nhiên điều kiện không cho phép, chất liệu để chế màu cũng lắm công đoạn và bất tiện nên bà chọn vẽ trên lụa. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tại triển lãm, mỗi tác phẩm đều đi kèm 1 đoạn audio có giọng bà Mộng Bích kể lại câu chuyện, kỷ niệm phía sau bức tranh đó. Các câu chuyện của bà đều vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng, đi kèm với đó là sự rung động với vẻ đẹp của con người trong không gian rộng lớn của thiên nhiên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhận xét về tranh của Mộng Bích, Giáo sư Nora A Taylor, một nhà nghiên cứu về Việt Nam của Học viện Mỹ thuật Chicago, Mỹ nói rằng: 'Tranh của bà vượt thoát khỏi các phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tuy không trực tiếp dạy Mộng Bích nhưng thầy hiệu trưởng Trần Văn Cẩn (trong tranh) vẫn hay ghé qua lớp và dành lời khen cho những bức vẽ của bà. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khi được hỏi về tranh của mình, bà tự nhận: 'Tranh của tôi thuộc vào loại ế ẩm, tôi vẽ các bà già nông thôn hoặc bà già ăn mày, ai mà thích được. Cũng may mà nó ế, bởi có khi cứ chạy theo đồng tiền, đời sống cao hơn, có khi lại bỏ quên nghệ thuât.' Trong ảnh là bức 'Bà Ngữ' - bà ăn mày mà bà Mộng Bích kể. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tại triển lãm, khác tham quan còn có thể theo dõi một phóng sự ngắn cho nghệ sỹ Bùi Hoài Nam Sơn, cháu trai của bà thực hiện. Phóng sự quay lại những cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh bà còng lưng vẽ tranh tại nhà ở làng Na, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Hai tác phẩm 'Cô gái Hà Nội' và 'Cô gái Chăm' được đặt cạnh nhau. Đối với bà, mỗi người đều có những nét đẹp riêng, đều làm cho bà cảm thấy rung cảm và phải cầm bút lên vẽ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Cuốn catalog tranh 'Đi giữa hai thế kỷ' được các đơn vị hỗ trợ in ấn và bán tặng cho những ai quan tâm và muốn tìm hiểu sâu về bà cũng như các tác phẩm ở triển lãm. Số tiền bán sách sẽ dùng để hỗ trợ cho cuộc sống của bà và gia đình sau này. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục