Dư luận thế giới từ lâu đã biết rằng những phi công Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam được đối xử tử tế và nhân văn. Song, hình ảnh tù nhân Mỹ đón Giáng sinh tại Nhà tù Hỏa Lò, nghe bộ đội Việt Nam chơi đàn bầu… thì không phải ai cũng biết.
Trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” khai mạc ngày 9/12 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò hé lộ nhiều câu chuyện chưa kể về cuộc sống của phi công Mỹ sau khi bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972- 12/2022) và 50 năm Việt Nam trao trả phi công Mỹ bị bắt giam tại các trại giam miền Bắc (1973-2023).
Trưng bày gợi nhớ về “Khoảng lặng” sau các trận bom rải thảm, các trận đánh khốc liệt và những mất mát, hy sinh mà mỗi chiến sỹ, người dân đã trải qua trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Từng ngôi nhà, dãy phố Hà Nội, Hải Phòng phải hứng chịu những trận bom rải thảm của máy bay B52, khiến cho “đất rung, ngói tan, gạch nát.”
Những tư liệu, hiện vật cũng gợi lên "Khoảng lặng" sau bức tường đá của Nhà tù Hỏa Lò hay còn gọi là “Hilton-Hà Nội” - giai đoạn 1964-1973, là nơi giam giữ phi công, nhân viên kỹ thuật trên máy bay của lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ bị bắt trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, toàn bộ phi công Mỹ giam tại các trại giam ở miền Bắc Việt Nam được tập trung về Trại giam Hỏa Lò để trao trả cho Chính phủ Mỹ.
[Gia đình cựu phi công Mỹ trao tặng hiện vật cho di tích Nhà tù Hỏa Lò]
Cựu chiến binh Robert Chenoweth chia sẻ: “Trước ngày trao trả, Chính phủ Việt Nam chuẩn bị một số quà lưu niệm như điếu cày, tranh phong cảnh Hà Nội, quạt nan, nón, dép cao su… để tặng chúng tôi. Riêng tôi mong muốn được nhận lá cờ của Việt Nam, vì với tôi, lá cờ là biểu tượng đặc biệt của dân tộc các bạn. Lá cờ giúp tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ, bảo vệ độc lập của những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất. Chính các bạn đã cho tôi thấy cái nhìn khác về cuộc chiến ở Việt Nam, để tôi biết đâu là lẽ phải.”
Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thomas Eugene Wilber, con trai của phi công Walter Eugene Wilber (Gene) cho hay trong suốt thời gian 5 năm bị tạm giam tại đây, tù binh Gene đã nhận được sự đối xử nhân đạo, khoan dung.
“Ông được ăn 3 bữa một ngày, được chăm sóc y tế và có đủ đồ dùng thiết yếu trong lúc người dân miền Bắc có cuộc sống vô cùng khó khăn. Từ đó, ông đã nhận ra rằng cuộc chiến tại Việt Nam cần phải kết thúc. Khi được trở về Mỹ năm 1973, ông đã tích cực tham gia các phong trào phản chiến,” ông Thomas chia sẻ.
Trong suốt phần đời còn lại của mình, phi công Gene nhiều lần kể cho gia đình nghe về Việt Nam. Do đó, ông Thomas đã đến Việt Nam hơn 30 lần và trao tặng rất nhiều kỷ vật của cha mình cho các bảo tàng, di tích Việt Nam.
“Mỗi lần đến đây, tôi lại hiểu rõ hơn về Việt Nam và nhận ra những thay đổi trên đất nước này. Tôi xúc động khi thấy hình ảnh và đồ dùng của cha mình được lưu giữ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò,” ông Thomas bày tỏ.
Đến tham quan triển lãm, ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP) trầm ngâm rất lâu ở khu vực trưng bày kỷ vật của lính Mỹ.
Ông cho rằng việc hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại cần rất nhiều thời gian và sự chân thành từ cả 2 phía.
“Tôi cảm thấy may mắn là Việt Nam đã rộng lòng mở cửa đón người Mỹ trở lại và sẵn sàng thiết lập quan hệ hữu nghị với Mỹ. Điều đó rất có ý nghĩa đối với thế hệ sau của cả hai dân tộc,” ông chia sẻ./.
Một số hình ảnh tại triển lãm: