Ngày 18/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo và triển lãm doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2020 - Vibrand 2020" với chủ đề “Thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.”
Triển lãm đã thu hút hàng trăm lượt khách tham quan 48 gian hàng với nhiều sản phẩm công nghệ số đa dạng.
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin đang trở thành hạ tầng số của nền kinh tế, trong đó công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hay được gọi ngắn gọn là công nghiệp ICT được xác định phần lõi của kinh tế số.
Nhiều quan điểm, định hướng lớn, quan trọng đã được xác lập trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 .
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, năm 2019 tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 112,350 tỷ USD, trong đó xuất khẩu công nghiệp ICT đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018.
Công nghiệp ICT đã đưa ngành thông tin và truyền thông trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của cả nước, với dự kiến đóng góp khoảng 7,3%, nếu tính cả khối FDI thì sự đóng góp là trên 16% GDP trong năm 2020.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, ngành thông tin truyền thông càng thể hiện vai trò quan trọng trong thời đại kinh tế số.
[Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp]
Theo ông Phan Tâm, nhằm tiếp tục phát triển Công nghiệp ICT trong nước thì phải thực hiện chiến lược Make in Viet Nam (Sản xuất tại Việt Nam) hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, tự cường thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm dịch vụ.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ tiên phong trong thực hiện đột phá chiến lược về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam” để cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đồng đều các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế-xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển.
Triển lãm sản phẩm công nghệ số năm nay là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin giới thiệu các sản phẩm mới nhất của mình với khách hàng và các đối tác tiềm năng.
Cũng tại triển lãm và hội thảo “Thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0,” bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã giới thiệu về chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam với lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 - sự kiện này sẽ được tổ chức vào ngày 25/11.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, số lượng doanh nghiệp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020 lên tới 124 cơ sở ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, trong đó đáng chú ý là có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số, dịch vụ mới mẻ, đa dạng như thanh toán điện tử, bưu chính viễn thông./.