Triển lãm ôtô tại Paris năm nay hứa hẹn sẽ mang lại nhiều bất ngờ thú vị với những mẫu xe điện được phát triển từ ý tưởng sáng tạo mới và độc đáo nhất.
Xe điện được coi là ngôi sao sáng trong triển lãm năm nay khi cuối cùng phân khúc này cũng đã lôi kéo sự tham gia của các "đại gia" hàng đầu thế giới như Mercedes hay Audi.
Nhưng tại triển lãm năm nay, cũng không thể bỏ qua sự tham gia đầy hứng khởi và ấn tượng của các công ty khởi nghiệp, hứa hẹn góp phần không nhỏ biến phân khúc xe điện tự lái thành một "miền đất màu mỡ."
Giữa lúc các nhà quản lý và giới chức ở nhiều nơi trên thế giới khuyến khích cắt giảm lượng khí thải ra môi trường từ các phương tiện hiện có thì việc các nhà sản xuất đổ xô vào lĩnh vực chế tạo xe điện cũng là một điều không quá khó hiểu.
Ở châu Âu, các hãng xe hơi đang chạy đua để đáp ứng những hạn chế ngặt nghèo của Liên minh châu Âu (EU) về mức xả thải CO2, sẽ có hiệu lực từ năm 2021, cũng như các quy chuẩn giám sát mức xả thải được siết chặt hơn sau hàng loạt bê bối gian lận khí thải của các nhà sản xuất lớn.
Chấp nhận rót nhiều tỷ USD vào các dự án phát triển những loại pin mới dành cho xe điện ngay cả khi chưa biết liệu có nhận lại thành quả xứng đáng hay không, các công ty cũng đặt cược rằng việc phát triển dòng xe này có những lợi ích tiết kiệm nhất định.
[Photo] Hé lộ sân khấu VinFast tại Paris Motorshow trước giờ G
Trước tiên, các loại phương tiện chạy bằng điện và tự động thường có những bộ phận bền vững, không nhiều bộ phận chuyển động nên chi phí thuê nhân công lắp ráp và dịch vụ sẽ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, một điểm mà các lãnh đạo doanh nghiệp đều hiểu là họ sẽ không thể tự phát triển những mẫu xe điện hoàn hảo nếu không kết hợp với các công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực thiết bị kết nối.
Bằng chứng là tại triển lãm ôtô năm nay, nhiều "đại gia" công nghệ như Google, Nokia... đã cử đại diện tham gia mang theo thông điệp sẵn sàng "bắt tay" với các nhà sản xuất ôtô định hướng chuyển đổi thành công sang phân khúc mới.
Giám đốc liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi Carlos Ghosn nhận định dịch vụ tự động đang bùng nổ, cuốn theo các nhà sản xuất xe hơi và để thành công, họ phải có sự hợp tác ăn ý với những đối tác công nghệ.
Những hạn chế của việc chuyển đổi sang phân khúc này phải kể đến đầu tiên là chi phí sản xuất khá cao. Các nhà sản xuất ôtô chỉ vừa mới thực sự trở lại đà phát triển sau quá trình chật vật tồn tại trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vì vậy, việc phải hợp tác và chia sẻ lợi nhuận với các đối tác thuộc lĩnh vực công nghệ kết nối sẽ không hẳn là ý tưởng được chào đón.
Việc chế tạo các mẫu xe điện cũng đòi hỏi chi phí lớn cho loại pin chuyên dụng nên giá thành phẩm sau đó cũng cao hơn các sản phẩm xe truyền thống. Và vì thế, các mẫu mới ra đời cho tới nay đều chưa mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất.
Giới phân tích dự đoán giá của các sản phẩm này sẽ không thể xuống mức cạnh tranh cho tới năm 2025. Ngoài ra, một xu hướng mới cũng cần được các nhà sản xuất cân nhắc khi hiện nay nhiều người không còn muốn sở hữu một chiếc xe cho riêng mình dù là xe điện. Thay vào đó, họ có thể sử dụng dịch vụ đi chung xe hay sử dụng các "phương tiện xanh" như xe đạp.
Tuy nhiên, với việc Audi và Mercedes trình làng các mẫy SUV chạy bằng điện trong sự kiện triển lãm ôtô lần này, chỉ một thời gian ngắn sau khi Ferrari tuyên bố một kế hoạch đầy tham vọng lấn sân sang phân khúc xe điện thì rất nhiều người tiêu dùng hoàn toàn có thể bị thuyết phục bởi những gì mà các nhà sản xuất làm được, tạo ra những mẫu xe điện hoàn toàn có thể cạnh tranh với xe truyền thống.
Triển lãm tại Paris năm nay khai mạc từ ngày 4/10 và kéo dài tới ngày 14/10./.