Bài 3: Không để các doanh nghiệp phải rơi vào cảnh “chết lâm sàng”
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, song một thực tế không thể phủ nhận là doanh nghiệp đang gặp khó, thậm chí nhiều trong số đó đang phải chịu cảnh “sống dở, chết dở”…
Vì vậy, trước cơn đại dịch chưa có hồi kết thì việc làm sao tăng sức đề kháng để các doanh nghiệp chống chọi và sống sót, đóng góp vào cho tăng trưởng kinh tế là bài toán cần phải được giải đáp.
Hay nói cách khác, Nhà nước phải có những quyết sách nhanh hơn và giải pháp mạnh hơn theo cùng sự chuyển động của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Thể chế, cơ chế quan trọng hơn tiền
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá cao các quyết sách kịp thời của Chính phủ và cho rằng Việt Nam duy trì được tăng trưởng dương là một kỳ tích.
Song, ông cũng chỉ ra trong bối cảnh chung hiện nay đất nước vẫn chưa khỏi những khó khăn và doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, khi mà hàng triệu lao động thiếu việc làm.
Theo ông Lộc thì “phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh.” Vì vậy, ông Lộc đề xuất song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1, thì gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời.
“Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch,” ông Lộc đề xuất.
Bài 2: Cơ hội “vàng” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Qua khảo sát những ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh rằng ngay trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho biết họ không cần tiền mà chỉ cần thể chế, cơ chế.
Do đó, ông Lộc kiến nghị việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng tài khoá, tín dụng… sẽ luôn là hữu hạn, song những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… sẽ là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển sản xuất-kinh doanh.
“Xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại ASEAN chưa được thay đổi nhiều, điều này cho thấy Việt Nam có nhiều dư địa. Tôi tin tưởng việc dỡ bỏ rào cản, nâng cao sự cạnh tranh của môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển. Đây chính là động lực cho phát triển và là gói giải pháp quan trọng nhất," đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc lên tiếng.
Gỡ nút thắt các gói hỗ trợ
Về việc triển khai chính sách của Chính phủ vào đời sống thực tiễn trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Đình Tân thẳng thắn cho biết các chính sách hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất được hoãn đến 31/12/2020 là rất kịp thời, nhưng đến nay văn bản hướng dẫn vẫn chưa phổ biến cho chi cục thuế các tỉnh để thông tin đến doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách ngân hàng hiện đã liên thông với cơ quan thuế, nên doanh nghiệp có hiện tượng nợ thuế được xem giống như nợ xấu ngân hàng.
Vì vậy, ông Tân đề xuất chính sách tới đây cần tách bạch việc nợ thuế trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, có như vậy mới hỗ trợ việc vay vốn của doanh nghiệp tại các ngân hàng.
“Hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp hầu như không được hưởng lợi nhiều,” ông Tân cho hay.
Với các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ, ông Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viên nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) cũng không khỏi lo âu và cho biết mặc dù các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng đến nay Quỹ Đổi mới khởi nghiệp quốc gia (thành lập nhiều năm nay) vẫn chưa hoạt động được. Vậy nên, các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận chính sách ưu đãi do điểm nghẽn cơ chế.
Trên thực tế, các chính sách từ Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được thực thi, do bản thân doanh nghiệp không biết thông tin để tiếp cận. Bên cạnh đó, ông Quân cho hay nhiều cơ quan quản lý lại không biết dựa vào đâu để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết tại địa phương, nhiều doanh nghiệp không biết về các chính sách hỗ trợ của địa phương.
Sau khi đi khảo sát tại hơn 10 tỉnh, ông Long nhận thấy nhiều doanh nghiệp không biết thông tin về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Qua quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, ông Long chỉ ra công tác tuyên truyền, phổ biến của nhiều địa phương về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, hiện vẫn chưa có địa phương nào có riêng những khu đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư-kinh doanh…
Thời gian đại dịch đã tác động lớn tới các doanh nghiệp tư nhân, song ông Long cho biết nhiều tỉnh có chính sách thanh tra, kiểm tra rải rác làm khó doanh nghiệp. Ngoại trừ những địa phương như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… đang làm rất tốt, còn các nơi chưa tốt hoàn toàn có thể cải thiện được vấn đề này.
Một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong tháng 11 chỉ ra các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là chìa khóa trong công cuộc phục hồi hậu COVID-19 của Đông Nam Á. Cụ thể, các doanh này là một động lực then chốt trong các nền kinh tế ASEAN, chiếm trung bình 97% số doanh nghiệp và 69% lực lượng lao động quốc gia, đóng góp trung bình 41% tổng sản phẩm quốc nội (trong giai đoạn từ năm 2010 tới 2019).
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhấn mạnh những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các nền kinh tế ÁEAN chủ yếu dựa vào thị trường trong nước và tinh thần kinh doanh của họ vẫn chưa đạt mức tối ưu.
“Vì thế, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp này, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần vào tăng trưởng đồng đều và hỗ trợ những nỗ lực phục hồi từ COVID-19,” ông Yasuyuki Sawada nói./.